Để chuẩn bị cho dây chuyền gỗ thanh của nhà máy chế biến gỗ Nghệ An xây dựng tại huyện Nghĩa Đàn chính thức đi vào hoạt động trong tháng 8, sáng ngày 27/7, tại hội trường UBND huyện, Công ty CP lâm nghiệp tháng Năm đã tổ chức hội nghị thu mua và phát triển vùng nguyên liệu. Đây là điều kiện có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng vùng miền Tây.
Dự án được cấp phép đầu tư và phát triển từ năm 2012, với tổng mức đầu tư 300 triệu USD, được chia làm 2 giai đoạn, gồm 2 dây chuyền đó là: nhà máy ván thanh có công suất thiết kế 12.000m3/năm; công suất tiêu thụ 30.000m3/năm. Nhà máy MDF, có công suất thiết kế 130.000m3/năm; công suất tiêu thụ 240.000m3/năm. Đối với huyện Nghĩa Đàn, sau gần 2 năm Công ty Cổ phần lâm nghiệp tháng Năm triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà máy chế biến gỗ Nghệ An trên vùng quy hoạch KCN Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân vùng lân cận và các doanh nghiệp, hộ nhận khoán và bảo vệ rừng hiểu được ý nghĩa của dự án, nhằm mở hướng đi bền vững cho nghề trồng rừng ở miền Tây của tỉnh Nghệ An được cấp ủy chính quyền các cấp của huyện Nghĩa Đàn quan tâm. Đặc biệt, ngay sau khi dự án được triển khai UBND huyện cũng đã có kế hoạch cụ thể để bảo vệ và phát triển vùng nguyên liệu bán cho Công ty.
Đặc điểm nổi bật của Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm là sự kết hợp giữa 2 công nghệ chế biến gỗ thanh và gỗ ván sợi MDF. Gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến phần giá trị nhất sẽ được sản xuất gỗ thanh, những phần còn lại được chuyển qua gỗ băm dăm để sản xuất ván sợi MDF chất lượng cao. Dùng đồng thời cả 2 công nghệ này cho phép nhà máy sử dụng gần như toàn bộ mọi sản phẩm trên cây gỗ. Khác với công nghệ chế biến gỗ của một số nước đang sử dụng tại Việt Nam, người trồng rừng sau khi bán sản phẩm gỗ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gỗ băm dăm, làm bột giấy đều phải bóc vỏ trước khi bán. Còn tại Nhà máy MDF Nghệ An từ vỏ cây, đến bụi, chất thải sản sinh trong quá trình sản xuất sẽ được thu gom triệt để, xử lý đóng thành bánh để đưa vào lò đốt nhằm tái tạo năng lượng bổ sung cho quá trình sản xuất. Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được xử lý một cách tốt nhất. Những ưu điểm trên đây xuất phát từ việc chủ đầu tư đã lựa chọn được các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị tốt nhất trên thế giới như: thiết bị tạo hình, nén liên hồi và trạng thái ván của Công ty Dieffenbacher (CHLB Đức); thiết bị công nghệ sản xuất ván sợi gỗ của Công ty Metso (Thụy Điển); công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm của Công ty Hombak/CMC(CHLB Đức); công nghệ chà nhám sản phẩm của Công ty Steinemann(CHLB Đức); công nghệ cắt sản phẩm theo kích thước cuối cùng của Công ty Anthon (CHLB Đức)...
Hiện nay, nhà máy đang vận hành thử và trong tháng 8 này sẽ có sản phẩm xuất ra thị trường và trong quý 4 năm 2015 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. Khi nhà máy đi vào hoạt động, ngoài việc tạo hiệu quả về kinh doanh, nộp ngân sách, bảo vệ môi trường còn mang lại những lợi ích về xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, khuyến khích phát triển kinh tế khu vực phía Tây Nghệ An, tạo việc làm cho 400 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng nghìn công việc cho các gia đình trồng rừng nguyên liệu./.