Sở dĩ các làng nghề chậm đổi mới công nghệ là do hầu hết các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong làng nghề có quy mô nhỏ, nguồn vốn nhỏ dẫn đến thiếu kinh phí đầu tư thiết bị trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ còn khó khăn. Nhằm hỗ trợ các làng nghề đổi mới máy móc, công nghệ, ngành Công Thương TP Hà Nội đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ qua nguồn ngân sách Khuyến công.
Theo thống kê, Thành phố đã hỗ trợ 70 doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc và công nghệ với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng từ năm 2009 đến nay, từ đó giúp DN được hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giảm bớt khó khăn cho DN.
Tiếp tục trong năm 2016, Chương trình khuyến công TP sẽ hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị vào sản xuất với kinh phí là 2 tỷ đồng. Một trong số đó là HTX tiểu thủ công nghiệp thương mại tổng hợp dịch vụ làng nghề Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội), được hỗ trợ đầu tư máy công nghệ cao (CNC) điêu khắc tượng gỗ tự động 4 và 8 đầu đục.
Xã Vân Hà, huyện Đông Anh có 85% số hộ dân làm gỗ, đa phần các hộ dân vẫn sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp và tốn nhân lực. Theo Chủ nhiệm HTX, nghệ nhân Nguyễn Văn Long, máy CNC có mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng, ưu việt hơn thế hệ máy cũ rất nhiều: “Trước đây khi sử dụng máy cũ, luôn phải có một thợ cầm máy để đục các chi tiết của sản phẩm. Đối với máy CNC chỉ cần bấm nút là máy sẽ làm tự động hoàn toàn, giúp giảm nhân lực, tăng năng suất, tăng tính đồng bộ sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh”.
Việc hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Văn phòng CPSI