Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:16 GMT+7

Tin hoạt động

Lợi ích khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ

22/11/2016

Đổi mới công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm 

Thời gian qua, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa vào hoạt động hai nhà máy sữa với những trang thiết bị công nghệ hiện đại giúp giảm 70% lao động, giảm chi lương cho công nhận và hạ giá thành sản phẩm. Nhờ đầu tư cho công nghệ, Vinamilk đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp số đăng ký để xuất khẩu hàng vào Mỹ. 

Một ví dụ khác là Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội Habeco, với việc không ngừng nỗ lực đầu tư, đổi mới công nghệ, Habeco luôn phân phối ra thị trường những sản phẩm có chất lượng ổn định, loại bỏ được nhiều chất độc hại trong các khâu chế biến. 

Tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Quảng Ninh), việc đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm mỏng có chất lượng và thẩm mỹ cao được đối tác nước ngoài đánh giá cao. Trên 60% sản phẩm gốm được áp dụng công nghệ tiên tiến và nhiều đối tác nước ngoài yêu thích bởi có độ mỏng hơn từ 50 - 70% so với sản phẩm gốm truyền thống. 

Đổi mới công nghệ giúp giảm tiêu hao năng lượng

Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nhiên liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới; chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000 - 200.000 đồng/tấn.

Nhựa Tân Phú đã đầu tư 3 máy ép 700T, 800T và 1.000T thủy lực dùng servo tiết kiệm điện 40% so với thế hệ máy ép thủy lực cũ. Lợi ích từ việc tiết kiệm điện của dự án này là hơn 700 triệu đồng/năm, đồng thời dự án cũng giúp tiết kiệm được hơn 3,3 tỷ đồng/năm từ việc tái sử dụng phế liệu. Ngoài ra, dự án đã giúp giảm phát thải 326,88 tấn CO2/năm, giảm lượng chất thải rắn ra môi trường 340,8 tấn/năm.

Đổi mới công nghệ giúp giảm tiêu hao nguyên liệu

Tại Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến, để đối phó với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, công ty đã đầu tư một dây chuyền hiện đại trên để hạn chế tiêu hao năng lượng, cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu.  Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric của các xưởng I và II từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần. Công trình này giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm định mức tiêu hao nguyên liệu. Định mức tiêu hao lưu huỳnh trước và sau khi chuyển đổi giảm 1,2% và đến nay đã giảm 2,4%, giúp công ty mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh nguyên liệu. 

Văn phòng CPSI