Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 20:19 GMT+7

Tin hoạt động

Ninh Thuận phát triển tiểu thủ công nghiệp

01/11/2016

Hiện Ninh Thuận có 3 làng nghề truyền thống, gồm: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ với doanh thu bình quân khoảng trên 10 tỷ đồng/làng/năm. Ngoài ra, còn có nhiều ngành nghề TTCN như: Chế biến nước mắm; chế biến cá hấp; bánh hỏi; sản xuất đũa gỗ; đan võng, chằm nón…. Tuy nhiên, các ngành nghề này nhìn chung chậm phát triển với chỉ khoảng 5000 cơ sở, phần lớn còn ở quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, rời rạc, khối lượng hàng hóa ít, phương thức sản xuất thủ công. Nghề chế biến nước mắm, cá hấp tuy có triển vọng phát triển nhưng vẫn chưa xây dựng được cơ sở sản xuất quy mô lớn, chưa có tiêu chuẩn chất lượng và thương hiệu để tạo sức bật.
Để hỗ trợ khu vực kinh tế này, những năm qua, Ninh Thuận đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách ưu đãi thông qua chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề… Sau nhiều năm triển khai, các chương trình, đề án này đã phần nào phát huy hiệu quả.

Theo số liệu của Sở Công Thương, giai đoạn 2006 - 2015, đã có 51 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được vay vốn với tổng số tiền 4,358 tỷ đồng. 

Từ nguồn kinh phí khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, như: Xây dựng lò nung mới theo mô hình lò nung làng gốm Thanh Hà - Quảng Nam; máy và dao chẻ nan; chế biến rượu nho…đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm, tỉnh dành 100 - 150 triệu đồng hỗ trợ cơ sở tham gia 2 - 3 hội chợ trong tỉnh, 4 - 5 hội chợ ngoài tỉnh.

Mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng theo đánh giá các ngành nghề TTCN, làng nghề của Ninh Thuận vẫn chậm phát triển, thị trường tiêu thụ hẹp, trong khi đó tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào khu vực kinh tế này với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất TTCN, làng nghề đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 16 - 18%/năm; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 12.000 lao động, nâng mức thu nhập lên 2,8 - 3 triệu đồng/người/tháng…

Cũng theo Sở Công Thương, kiên trì mục tiêu này Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các đề án, chương trình đã được phê duyệt; hỗ trợ cơ sở ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; mở rộng các hình thức doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để tập trung quy mô, tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTCN, làng nghề thuận lợi, Sở Công Thương Ninh Thuận kiến nghị: Các Bộ, ngành Trung ương cần có chỉ đạo thống nhất để các sở, ngành liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý.

Đến năm 2020, Ninh Thuận phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành 3-5 làng nghề, xây dựng từ 2-3 thương hiệu sản phẩm đặc thù; giá trị sản xuất TTCN, làng nghề đạt tốc độ tăng trưởng 16-18%/năm; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 12.000 lao động.

Văn phòng CPSI