Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:13 GMT+7

Tin hoạt động

Lai Châu: Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bền vững

01/11/2016

Nhằm khai thác lợi thế vốn có, tỉnh Lai Châu đã ban hành quy chế hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chương trình khuyến công trên địa bàn để các doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào trong sản xuất. Lai Châu chú trọng xây dựng đồng bộ các quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ CN – TTCN dần được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trong thời gian qua, tỉnh đã đưa dây chuyền sản xuất tôn xốp cách âm cách nhiệt vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu xây dựng của thành phố và các huyện trong tỉnh.
Ông Phạm Văn Nam - đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Thương mại Thủy Nam chia sẻ, từ nguồn vốn hỗ trợ gần 400 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công Quốc gia, Công ty đã đầu tư thêm gần 14 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất tôn xốp chống nóng, cách âm, cách nhiệt. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến với công suất thiết kế 80.000m2/năm, đảm bảo đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chống nóng, cách âm, cách nhiệt. Ngoài ra sản phẩm còn có nhiều ưu điểm vượt trội như: phòng cháy tốt, dễ dàng thi công lắp đặt với mọi hình dạng mái lợp; chống thấm, dột; không bị rò nước… Sản phẩm nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn với mức thu nhập ổn định.
Để thúc đẩy phát triển CN, TTCN, tỉnh Lai Châu cũng quan tâm quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp, trong đó, quy hoạch chi tiết 1 khu, 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích 375ha. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 727,3 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008-2015 đạt 25,8%. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ CN-TTCN phát triển dần được hoàn thiện như: Hệ thống điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước sinh hoạt... là những điều kiện để các cơ sở công nghiệp ở khu vực nông thôn phát triển. Thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp cũng có chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng dự án. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 90 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất công nghiệp... Qua đó, thúc đẩy CN - TTCN của tỉnh có bước phát triển mới với nhiều hình thức sản xuất đa dạng, phong phú, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Tuy nhiên để CN – TTCN phát triển theo hướng bền vững tỉnh cũng cần tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế gắn với vùng nguyên liệu như công nghiệp khai khoáng vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, tạo động lực thúc đẩy sản xuất... Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Văn phòng CPSI