Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 11:01 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ trong công nghiệp

01/11/2016

Trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GRDP là 42-45% trở lên, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, trong đó có đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất công nghiệp. 
Theo TS. Lê Xuân Rao-Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, các đề tài, dự án nghiên cứu của thành phố tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, xử lý môi trường... Trong 5 năm qua, Sở KH&CN Hà Nội đã thẩm định công nghệ 115 dự án đầu tư trong các lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như: Công trình Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) theo công nghệ đốt không phát điện; Dự án Nhà máy xử lý rác Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày…
Ngoài ra, Hà Nội đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ có quy mô lớn nhất Việt Nam, đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng. Với mô hình nghiên cứu và sản xuất hiện đại, Trung tâm được kỳ vọng sẽ cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu, chuyển giao và thẩm định gồm: Công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ điện tử - tự động hóa, công nghệ tiết kiệm năng lượng và công nghệ môi trường. Một trong những đề tài mà Trung tâm tập trung tiến hành là nghiên cứu sản xuất pin năng lượng mặt trời có hiệu suất cao, kích thước nhỏ. Theo kế hoạch, những tấm pin năng lượng mặt trời của Trung tâm sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020. 
Việc hợp tác ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô cũng được đặc biệt chú trọng. Dự kiến trong năm 2016, Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại phường Xuân La, quận Tây Hồ sẽ hoàn thành, trong đó Khu vườn ươm công nghệ là nơi hỗ trợ các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu cần hoàn thiện để hình thành các phát minh sáng chế, các sản phẩm công nghệ có tính khoa học và thực tiễn cao. 
Ông Lê Xuân Rao cho biết, trong tương lai, Hà Nội sẽ tập trung phát huy những lợi thế của Thủ đô, đặc biệt là khai thác tiềm năng đội ngũ trí thức, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động KH&CN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Văn phòng CPSI