Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:59 GMT+7

Tin hoạt động

Tăng cường mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp da giày

26/10/2012

1. Đặt vấn đề
Ngành công nghiệp sản xuất da giày của nước ta đang sử dụng công nghệ ít phức tạp, lạc hậu chuyên gia công các loại giày vải, giày da xuất khẩu sang các nước.

Với cường độ làm việc cao, môi trường lao động luôn bị ô nhiễm; lực lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ cao khoảng 80%. Hiện cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp Nhà nước và liên doanh, thu hút khoảng 600.000 lao động. Để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu phát triển bền vững trên thị trường thì yêu cầu về đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động (NLĐ) là một yêu cầu tất yếu. Thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp và các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) là một yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất da giày nói riêng hành động đúng, phù hợp với những quy định của pháp luật để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức khỏe, môi trường để phát triển bền vững.

2. Quan hệ hữu cơ giữa TNXH và SXSH

Trước đây các các doanh nghiệp thường nhìn nhận vấn đề TNXH và BVMT một cách đối phó, thường mang tính "chữa cháy" hơn là phòng ngừa ngay từ đầu. Đối với nhiều doanh nghiệp, chi phí thực hiện các quy định về TNXH và BVMT chỉ được xem như chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí thực hiện sẽ tăng lên vì các quy định ngày càng phức tạp, ngày càng nhiều và toàn diện.

Ngày nay cả sức khỏe, môi trường đều tiến tới một phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hệ thống chủ động. Chúng đều có các nội dung để thực hiện từng bước của hệ thống: có quá trình tổ chức, lập và thực hiện kế hoạch, đánh giá. Song, chúng đều là một quá trình chứ không phải là một giải pháp, một tác động. Mục tiêu cuối cùng của hệ thống này là vì con người. Và nơi tiếp cận cuối cùng của vấn đề này là các cơ sở sản xuất có liên quan đến yếu tố con người,  thiết bị và môi trường. Chính vì vậy nếu áp dụng riêng lẻ từng công cụ sẽ lãng phí và gây nên sự chồng chéo, khó khăn khi thực hiện. Nếu ta biết kết hợp được một số khâu của hệ thống này vào một số khâu của hệ thống kia thì có thể giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp bằng chỉ phải áp dụng có một quá trình nhưng trong đó đã bao hàm cả hai yêu cầu về TNXH và BVMT.

Nhìn từ góc độ phân tích lợi ích của SXSH với việc thực hiện TNXHDN, chúng ta thấy nhiều nội dung được đặt ra chủ yếu bao gồm: Tiết kiệm nguyên liệu thô, nước, năng lượng… và cắt giảm chi phí: các cơ hội thị trường mới và được cải thiện; tiếp cận các nguồn tài chính tốt hơn; thực hiện các bộ tiêu chuẩn liên quan, ví dụ như ISO14000; môi trường làm việc tốt hơn và tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường.

Tuy nhiên, thực hiện tốt TNXHDN sẽ chưa bảo đảm được các kết quả về môi trường tối ưu. Vì vậy, DN cần phải lồng ghép các nội dung TNXH và BVMT trong hệ thống quản lý sản xuất của mình để nhằm thực hiện tốt các kỹ thuật SXSH.

Nội dung TNXH và SXSH có nhiều điểm tương đồng, nên chúng ta có thể lồng ghép, đánh giá các giải pháp SXSH cùng nội dung của TNXHDN, xem xét, chọn lựa các cơ hội tối ưu hơn cho doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt các giải pháp SXSH sẽ cải thiện rõ rệt được sức khỏe của NLĐ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần ổn định lao động. Từ đó, hằng năm doanh nghiệp sẽ giảm được một lượng tiền khá lớn để khám chữa bệnh cho NLĐ hay cải thiện môi trường do ô nhiễm. Do đó, áp dụng các giải pháp SXSH trong doanh nghiệp đã đem lại những lợi ích to lớn cả về kinh tế và bảo đảm được các yêu cầu về BVMT.

3. Thực hiện TNXH và SXSH trong DN sản xuất da giày

Công nghiệp sản xuất giày bao gồm cả giày da, giày vải và giày thể thao ở nước ta hiện nay là ngành sản xuất không ngừng phát triển, sản phẩm ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về chủng loại. Ngành sản xuất giày đang tồn tại và phát triển nhiều hình thức sở hữu khác nhau: quốc doanh, ngoài quốc doanh, tư nhân, liên doanh và 100% vốn nước ngoài tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Điểm mạnh của ngành sản xuất da giày nước ta là giá lao động rẻ nên tạo ra thị trường tương đối ổn định. Trong đó giày da, giày vải và giày thể thao là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu trên thị trường quốc tế về da giày, và uy tín trên thị trường quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển.

Ngành công nghiệp da giày ở nước ta vẫn được coi là ngành tạo ra nhiều việc làm có đóng góp về mặt xã hội lớn thông qua việc giải quyết lao động việc làm, lực lượng lao động đặc biệt là phụ nữ (chiếm khoảng 80% số lao động trong ngành) được phân bố ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam. Số lao động ở độ tuổi từ 18- 35 chiếm khoảng 85%, số người ngoài 40 tuổi rất ít.

NLĐ trong ngành này có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất (37,8%), tiếp đến là Trung học cơ sở (20,2%), công nhân kỹ thuật (10,7%), tiểu học (10,1%), trung học chuyên nghiệp (9%) và cao đẳng, đại học chiếm 12,2%. Số người có trình độ học vấn từ trung học chuyên nghiệp trở lên nhiều nhất ở miền Bắc. Mức lương bình quân trong ngành còn thấp khoảng 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng mỗi tháng và phải làm việc trong điều kiện môi trường kém.

Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất da giày cũng là một ngành công nghiệp sản sinh ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường đòi hỏi có sự quan tâm thích đáng về môi trường lao động, công tác AT-VSLĐ và vấn đề thực hiện trách nhiệm TNXHDN. Ở Việt Nam hầu hết các dây chuyền, máy móc của các doanh nghiệp trong nước hiện nay đều nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan theo công nghệ băng tải dài, tốc độ chậm tiêu tốn nguyên, nhiên liệu là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Các dây truyền máy móc thiết bị đồng bộ nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc được bố trí theo hệ thống băng tải dài, tốc độ chậm, kết cấu đơn giản, tuổi thọ ngắn với các phương pháp công nghệ là dán, khâu, đóng đinh, đúc, lưu hóa bằng nồi hấp (giày vải, giày thể thao,…)

Về môi trường và điều kiện lao động, lao động trong ngành da giày phải tiếp xúc thường xuyên với dung môi hữu cơ. Một số vị trí lao động tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc trong môi trường nóng. Công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại với tần số thao tác cao, nhiều khi phải cúi vặn người, với tay lấy dụng cụ, chi tiết ở khoảng cách xa. Trong đó, ô nhiễm nhiệt là một trong những yếu tố đặc trưng của ngành công nghiệp sản xuất giày, cùng với việc tổ chức thông thoáng kém vào những tháng mùa hè mức chênh lệch nhiệt độ trong - ngoài nhà xưởng có thể đạt tới 7,0oC - 8,0oC. Các dung môi được sử dụng nhiều nhất trong ngành này là:  Xăng công nghiệp; Cồn Etylic- Axeton - Toluen. Ngoài các hơi dung môi kể trên còn có các khí thải như: CO2, SO2, NO2... các hơi khí này chỉ tập trung ở phân xưởng gò, hấp sấy và hoàn chỉnh. Đặc biệt là Chất thải rắn có ở hầu hết các khâu mà thành phần của chất thải rắn rất đa dạng như: nhựa, vật liệu giả da, cao su, vải vụn….

Thực trạng đó cho thấy việc thực hiện TNXH ở các doanh nghiệp sản xuất da giày ở nước ta là rất có ý nghĩa. Đó là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng NLĐ, gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ, sao cho vừa có lợi cho DN vừa có lợi cho sự phát triển. Trong thực tế hoạt động sản xuất của ngành da giầy ở Việt Nam, TNXHDN được thể hiện thông qua việc xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý của doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ pháp luật, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, NLĐ và cộng đồng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và xã hội. Các DN thực hiện tốt TNXH sẽ đảm bảo được các lợi ích bao gồm: Duy trì được hợp đồng và mở rộng được thị trường; tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm; giảm số công nhân bỏ việc; xây dựng các chương trình đầu tư vì xã hội và tăng uy tín của xã hội để dễ dàng hoạt động và hội nhập hơn.

Ngoài các lợi ích kinh tế này, nhờ việc thực hiện TNXHDN còn đưa lại những lợi ích về phát triển của doanh nghiệp, cụ thể là: nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện sức khỏe, môi trường cho NLĐ; thực hiện tốt hơn pháp luật lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia. 

Mặc dù nói rằng, việc lựa chọn áp dụng TNXHDN với mỗi doanh nghiệp là hoàn toàn tự nguyện nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc làm này có tính quyết định đến kết quả sản xuất - kinh doanh... mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp và bắt đầu áp dụng thành công một số biện pháp, đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Theo như theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) tiến hành gần đây trên 24 doanh nghiệp da giày đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình TNXHDN, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng khoảng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.

Tuy nhiên, vẫn còn một thực tế là việc áp dụng thực hiện TNXH ở các doanh nghiệp sản xuất da giày của nước ta hiện nay chưa thực sự trở thành một hoạt động tự giác, dài hơi. Các doanh nghiệp phần lớn chỉ thực hiện hiện dựa vào các chương trình, dự án là chính.

Trong khi đó, SXSH là công cụ để nhằm đảm bảo môi trường với chi phí thấp cho các doanh nghiệp. SXSH được thực hiện ở các ngành công nghiệp khác đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, nhưng SXSH trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp sản xuất da giày đến nay mới chỉ thực hiện bằng các chương trình, dự án,…ở một vài cơ sở sản xuất và chỉ nhằm vào một số công đoạn sản xuất chủ yếu. Tuy tiềm năng áp dụng SXSH ở ngành công nghiệp sản xuất da giày là rất lớn. Nhưng tiềm năng to lớn chưa phải là một sự đảm bảo tất yếu cho thành công mà cần phải có cách tiếp cận hợp lý từ các nguồn lực để được sử dụng tối ưu những lợi thế.

4. Nhận xét và khuyến nghị

Thực hiện TNXHDN và SXSH là một yêu cầu tất yếu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế áp dụng TNXHDN và SXSH ở một số ngành công nghiệp đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, áp dụng TNXHDN và SXSH trong ngành công nghiệp sản xuất giày vẫn còn nhiều hạn chế so với một số ngành công nghiệp khác. Do đó để góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nội dung về TNXHDN và SXSH ở Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp sản xuất da giày nói riêng thu được hiệu quả trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào những vấn đề sau:

Một là, lồng ghép TNXHDN và SXSH trong sản xuất, bởi lẽ các doanh nghiệp muốn có lợi nhuận cao, xuất khẩu được nhiều sản phẩm thì phải đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy vấn đề TNXH và SXSH cần phải được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam nói chung và của ngành công nghiệp sản xuất da giày nói riêng.

Hai là, thực hiện TNXHDN và SXSH trong ngành công nghiệp sản xuất da giày nhằm tạo ra cơ hội để phát triển hơn nữa cũng như khẳng định thế mạnh sản xuất da giày Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp nước nhà đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Từ đó đưa ra kế hoạch phát triển tới năm 2020 với những chiến lược phát triển theo từng giai đoạn cụ thể.

Ba là, thúc đẩy việc lồng ghép TNXHDN và SXSH, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TNXHDN và SXSH cho các đối tượng, từ nhà quản lý, NSDLĐ cho đến NLĐ.

Bốn là, ngành công nghiệp sản xuất giày nước ta cần phải khai thác tiềm năng để xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả của TNXHDN và SXSH, từ đó nhằm lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể, song cũng có thể nhận định, đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.