Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:57 GMT+7

Tin hoạt động

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

21/10/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 2600/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đến năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 (Kế hoạch).
Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê - tan đến năm 2030 góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Bộ Công Thương đã chỉ ra năm nhóm giải pháp chính cần được ưu tiên triển khai tới năm 2030, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở của ngành Công Thương; Lồng ghép nội dung giảm phát thải khí nhà kính vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan của ngành Công Thương và tăng cường các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan ở các lĩnh vực có tiềm năng như khai thác khoáng sản như dầu, khí và than.
Xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế, chính sách chuyển đổi cơ cấu các ngành, lĩnh vực công nghiệp thâm dụng năng lượng, giá trị gia tăng thấp và phát thải khí nhà kính lớn; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án thực hiện thí điểm chương trình nhãn dấu các-bon tự nguyện đối với các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trinh cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.
Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ 
Thứ hai, thực hiện các hoạt động, biện pháp kỹ thuật và quản lý giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thông qua việc: Tổ chức triển khai các nhiệm vụ về chuyển dịch năng lượng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương đến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều tra, đánh giá hiện trạng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương; Điều tra, khảo sát và xây dựng, cập nhật, bổ sung hệ số phát thải khí nhà kính đặc trưng cho các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với cấp lĩnh vực, hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo quy định của pháp luật; Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đo đạc, báo cáo và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính đối với các lĩnh vực, cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Thứ ba, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp; Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của ngành Công Thương; Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc ngành Công thương.
Thứ tư, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính nói chung và khí mê-tan nói riêng; Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính cho các đối tượng có liên quan của ngành Công Thương. Tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý phát thải khí nhà kính; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các chương trình giảm phát thải và truyền thông về biến đổi khí hậu, công khai báo cáo bền vững để tăng cường uy tín và trách nhiệm môi trường.
Thứ năm, tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực bằng việc thu hút, vận động, triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022, kết quả kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương năm 2014 là 100,5 triệu tấn CO2 tđ, năm 2016 là 129,7 triệu tấn CO2 tđ, năm 2018 là 171,3 triệu tấn CO2 tđ, năm 2020 là 215,3 triệu tấn Co2 tđ.
Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn 2021 – 2030 khi triển khai có hiệu quả, đầy đủ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự thực hiện dự kiến đạt 358,7 triệu tấn CO2tđ và khi có hỗ trợ quốc tế là 1462,7 triệu tấn CO2tđ.
Xem chi tiết: tại đây
Minh Phúc