Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:44 GMT+7

Tin hoạt động

Tăng cường sử dụng vật liệu không nung

02/04/2015

Tỷ lệ chưa cao

Quy định về việc sử dụng VLXDKN được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu sử dụng gạch xây ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm cả nước đã sử dụng tới 24 tỉ viên gạch xây. Năm 2020 ước tính nhu cầu sử dụng sẽ lên tới khoảng 40 tỉ viên gạch.

Trên thực tế với tình hình sử dụng vật liệu nung như hiện nay, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2015 cả nước sẽ tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than đồng thời thải ra bầu không khí trên nửa triệu tấn CO2. Nếu chúng ta sử dụng hoàn toàn gạch đất sét nung cho xây dựng thì chả mấy chốc sẽ cạn kiệt đất sét, tiêu tốn một khối lượng lớn than, những nguồn tài nguyên không tái tạo, đất canh tác bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Lượng khí thải do đốt gạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sau 5 năm (từ năm 2010) thực hiện Quyết định 567 và Chỉ thị số 10 tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn quốc đã có 1.500 dây chuyền công suất 7 triệu viên/năm và hơn 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất 7-40 triệu viên/năm. Tổng công suất sản xuất gạch xi măng cốt liệu khoảng trên 5,2 tỷ viên/năm.

Ngoài ra, còn có khoảng 12 dự án với tổng công suất 1,3 tỷ viên gạch bê tông, 17 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất 120 triệu viên/năm. Các sản phẩm tấm tường thạch cao, tấm 3D, đá chẻ, gạch silicat,… có số lượng không đáng kể.

Như vậy, phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đã vượt mục tiêu tổng công suất 20-25%. Tỷ lệ gạch nhẹ cũng đạt mức 21% mục tiêu đã đề ra. Nhưng trên thực tế, các nhà quản lý cũng bày tỏ lo ngại về khả năng triển khai tiếp theo của chủ trương này.

Cụ thể, gạch xi măng cốt liệu đang rơi vào tình trạng khó tiêu thụ do mẫu mã đơn điệu, to nặng, giá cả ít có tính cạnh tranh. Những loại vật liệu xây nhẹ tiêu thụ còn kém hơn và mức sản xuất chỉ đạt 20- 30% công suất.

Yêu cầu sử dụng VLXDKN

Đánh giá về triển vọng của VLXDKN trong tương lai, TS Trần Văn Huynh-Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, các nước bây giờ dùng VLXDKN rất nhiều rồi. Còn ở Việt Nam, việc sử dụng VLXDKN mới đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên.

Ông Huynh nhấn mạnh, trong tương lai dù muốn hay không chúng ta cũng phải sử dụng VLXDKN. Bởi vì vật liệu xây dựng có nung trong thời gian qua đã chứng minh những hệ quả về môi trường, cũng như với nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn của chúng ta. Chính vì vậy phát triển VLXDKN là hướng phát triển rất tốt và dứt khoát sẽ phát triển lên được.

Cũng trong cuộc họp ngày 18/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tập trung thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và xã hội thấy được lợi ích của việc sử dụng VLXDKN.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 10 và Thông tư 09, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ việc sử dụng VLXDKN. Đồng thời, đôn đốc các địa phương xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, cải tiến lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch…

Các cơ quan cũng cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, triển khai công nghệ sản xuất và sử dụng có hiệu quả VLXDKN, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất.