Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 30/10/2024 | 15:47 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xu hướng "xanh hóa" ngành da giày

16/07/2024

Để đáp ứng các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất, thích ứng các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Thách thức của ngành da giày Việt Nam
Năm 2023 được xem là một năm đầy khó khăn đối với ngành da giày. Với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát, việc tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Điều này dẫn đến việc giảm đơn hàng và tích lũy lượng hàng tồn kho. Tổng sản xuất của ngành giảm khoảng 15% so với năm trước. Mặc dù không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng trong bối cảnh khó khăn như vậy, kết quả này vẫn được đánh giá là khả quan.
Về triển vọng ngành trong năm 2024, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách (Lefaso) dự báo một năm tiếp tục đầy thách thức. Tuy nhiên, Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xác định giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc, với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần).
Mục tiêu của ngành da giày đến năm 2030 là tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Quý I/2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Mặc dù vậy, theo bà Xuân, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Ngoài ra, các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đang áp đặt nhiều yêu cầu mới liên quan đến nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường, ảnh hưởng mạnh đến ngành xuất khẩu chủ lực là sản phẩm da giày của Việt Nam. Ví dụ, từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái, chuẩn mực về bền vững, và minh bạch trong chuỗi cung ứng...
Xu hướng sản xuất theo tiêu chuẩn xanh
Để giữ vững ngành xuất khẩu chủ lực và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, ngành da giày cần tiếp tục nỗ lực với nhiều phương án thay đổi mới. Quan trọng nhất là thúc đẩy sản xuất xanh và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Các chính sách mới từ các quốc gia nhập khẩu như Mỹ, EU đã yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, đẩy mạnh việc luật hóa các hoạt động này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng để tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và giảm thiểu khí thải carbon trong sản xuất.
Xanh hoá là con đường bắt buộc với ngành Da giày để tham gia chuỗi cung ứng. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Ông Maxime Rogeon  - Trưởng Bộ phận Da giày của công ty Decathlon Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam có nhiều ưu thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA, tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu nhưng cũng phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, với mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thuận lợi hơn. Do đó, Việt Nam cần phải tăng cường giải pháp về logistics xanh và cải tiến nguồn cung ứng và vận chuyển để thích ứng nhanh chóng với xu hướng này.
Ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ Tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu (WRAP) khẳng định, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu).
Doanh nghiệp da giày hướng tới sản xuất xanh
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang không ngừng nỗ lực học hỏi, áp dụng các phương pháp "xanh" vào quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành da giày Việt trên thị trường quốc tế. 
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Gia Định cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Các doanh nghiệp da giày cần tập trung vào các tiêu chuẩn của yêu cầu phát triển bền vững. (Ảnh: HảI Quan Online)
Công ty TNHH MTV Catlongs – chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu đi Mỹ, Nhật cũng đang từng bước thực hiện chuyển đổi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Bà Kiều Thị Tâm Anh, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giày dép. Đặc biệt, các sản phẩm đế giày làm từ vỏ trấu, vỏ đậu phộng của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu trong nhiều năm qua.
Tại Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (Bình Dương), doanh nghiệp đang sản xuất, gia công đế, khuôn mẫu giày… với 2 nhà máy hơn 1.800 lao động. Công ty xuất khẩu hàng sang Mỹ, EU và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. “Thời gian qua, dù khó khăn, Công ty cũng tham gia dự án giảm thiểu năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của các nhãn hàng như Adidas, Nike…”, bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam, cho biết.
Lãnh đạo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương chia sẻ, giày dép là ngành được đánh giá gây ra phát thải lớn trong quá trình sản xuất, EU lại là thị trường xuất khẩu rất lớn đang áp dụng nhiều biện pháp sản xuất xanh. Do vậy, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng các quy định mới của EU.
Với việc "xanh hóa", ngành da giày đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho sản xuất, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là lợi thế giúp da giày Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoàng Dương