Thời gian qua, việc đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất là một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nâng cao được hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và hướng đến sản xuất sạch hơn.
Với mong muốn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng, thị trấn Nông Cống đã chú trọng thực hiện các giải pháp hướng tới sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hằng năm, công ty sản xuất hơn 6,2 triệu sản phẩm xuất khẩu.
Thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, ban lãnh đạo công ty đã triển khai xây dựng các bức tường có tác dụng làm giảm thiểu tiếng ồn, lắp đặt hệ thống ống hút bụi để đưa chất thải về bể lắng lọc xử lý. Các công đoạn vận hành máy móc cũng được thực hiện hợp lý, tránh được những hao phí không cần thiết khi sử dụng nguyên, nhiên liệu. Nhờ nỗ lực duy trì sản xuất sạch hơn, công ty bảo đảm các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và giảm chi phí đầu vào của sản phẩm.
Ông Vũ Công Thắng, giám đốc công ty, cho biết: Công ty chú trọng đầu tư máy móc, kỹ thuật để tăng năng suất, giảm nguồn nguyên liệu, nhất là xử lý tối đa nguồn rác thải, khí thải ra môi trường. Việc làm này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn nguyên liệu, sử dụng nguồn phế thải trong sản xuất để tái chế, sản xuất những sản phẩm mới...
Áp dụng sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa có nhiều đơn hàng hơn. (Ảnh: vneconomy.vn)
Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) là một trong số doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù đang sở hữu dây chuyền sản xuất đường công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, Lasuco vẫn luôn tìm tòi và ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thị trường. Điển hình như việc ứng dụng công nghệ lắng nổi, công nghệ trao đổi ion làm sạch dịch đường, công nghệ khuếch tán trích ly đường để giảm thiểu việc phải sử dụng hóa chất và tăng hiệu quả sản xuất, ứng dụng lò hơi cao áp trong sản xuất đồng thời phát điện làm tăng hiệu quả nồi hơi, giảm nhiệt lượng phát thải.
Ông Lê Viết Hùng, Trưởng phòng KHCN Lasuco, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất đường đã giúp nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, nâng cao hiệu suất tổng thu hồi. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa sử dụng lò hơi trên dây chuyền hàng năm có thể tiết kiệm nguồn nguyên liệu bã mía, với giá trị từ 5 - 7 tỷ đồng. Năm 2021, đơn vị đã đưa sáng kiến “thiết kế và gia công, chế tạo, lắp đặt hệ thống xử lý nguyên liệu đường thô” vào ứng dụng thực tế, giúp dây chuyền có thể xử lý thêm được từ 20.000 - 40.000 tấn nguyên liệu đường thô nhập khẩu, giúp đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Ngoài ra Lasuco đã đầu tư dự án đồng phát nhiệt - điện từ bã mía. Một phần là để giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ Nhà máy đường, cũng là cách để tự chủ một phần nguồn điện sản xuất đồng thời giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Theo đó, Lasuco đã đầu tư lắp đặt Nhà máy đồng phát điện chạy bằng bã mía công suất 33,5 MW. Trong đó, 50% điện tạo ra được cung ứng lại cho Nhà máy sản xuất đường, 50% còn lại bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với việc đầu tư xây dựng Nhà máy đồng phát điện từ bã mía, ước tính hàng năm Nhà máy đã tiết kiệm được khoảng 69.570 MWh, lượng phát thải giảm khoảng 31.706 tấn CO2.
Nhà máy đồng phát nhiệt - điện Lasuco công suất 33,5 MW.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu các dự án chuyển đổi hình thức, dây chuyền sản xuất để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động và tiết kiệm năng lượng. Tiêu biểu, như các nhà máy nhà máy tinh bột sắn, nhà máy bia sử dụng khí biogas từ hệ thống xử lý nước thải làm nhiên liệu đốt nồi hơi; nhà máy may mặc, giầy da sử dụng phế thải thay thế than đá đốt lò hơi... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp tái chế chất thải, như: Công ty TNHH Tân Nam Phong, Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đầu tư hệ thống sản xuất túi ni lon tái chế; Nhà máy xử lý chất thải Trường Lâm của Công ty CP Môi trường Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) đầu tư lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để tạo ra điện năng, dầu diezen và hạt nhựa...
Có thể khẳng định, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, sự lan tỏa của chiến dịch đã góp phần thay đổi tư duy của người sản xuất hướng đến sản xuất sạch hơn, phát triển ổn định, bền vững; hướng đến những thị trường có tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn và sản phẩm chất lượng hơn.
Theo Thống kê của Sở Công Thương Thanh hóa, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; 100% cán bộ phụ trách ở các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn được đào tạo, tập huấn kiến thức về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. |
Hương Trà