Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 09:59 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp hướng tới phát triển bền vững

15/04/2024

Ngày 12/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức hội nghị “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” trong khuôn khổ dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”.
Mục đích của hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi sang phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.
Tại hội nghị, hơn 200 đại biểu từ các bộ ngành, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp thứ cấp, tổ chức tài chính và nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức quốc tế tham gia và thảo luận.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Thành Quân cho biết, tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trường lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
“Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động tạo ra chuỗi giá trị gia tăng mới hiệu quả cao đảm bảo tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững”, ông Lê Thành Quân đánh giá.
Theo ông Quân, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó, có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các khu công nghiệp, vốn là trung tâm hoạt động kinh tế, hiện đang chuyển hướng từ mô hình kinh tế tuyến tính mà tại đó nguyên vật liệu đầu vào sử dụng, tạo ra sản phẩm và thải bỏ sang sang mô hình ưu tiên thiết kế bền vững, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái chế. Bằng cách tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm bền lâu, tái sử dụng vật liệu và triển khai hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.
Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Trong những năm vừa qua, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện mô hình KCN sinh thái trong đó thúc đẩy thực hiện các mô hình cộng sinh công nghiệp được coi là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên và là một trong những cách tiếp cận đề hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) và hướng đến đạt được tăng trưởng xanh.
“Với những mô hình KCN sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và công sinh công nghiệp, trong giai đoạn 2020 - 2024, 88 doanh nghiệp tại 5 thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hàng năm”, ông Lê Thành Quân cho biết.
Tại các hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp, các KCN, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các KCN.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng), cho biết, nhờ chuyển đổi xanh, trong giai đoạn dịch Covid-19 và hậu dịch bệnh, tại KCN này doanh nghiệp không bị suy giảm sản xuất mà còn tăng trưởng tốt. Điều đó mang lại động lực rất lớn, cho thấy “trái ngọt” của việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn về lâu dài. Tại đây, các loại rác thải như xỉ thép cũng có thể tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Với mô hình cộng sinh công nghiệp, phế liệu được sản xuất trở thành các sản phẩm phụ trợ, linh kiện ngành điện… Theo ông Điệp, năng lượng tái tạo đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể là việc lắp đặt điện mặt trời tại khu vực nhà xưởng để thay thế năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên hiện nay việc này vẫn chưa được phép. “Nếu có chính sách nhà nước, tôi tin rằng năng lượng tái tạo sẽ tạo giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp. Vì khi năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch, chúng ta có thể giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon, rất có lợi”, ông Điệp nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, thành công của các sáng kiến cộng sinh công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào môi trường chính sách. Theo ông, vai trò dẫn dắt của nhà nước là hết sức quan trọng, cần lồng ghép vào chiến lược phát triển của địa phương. Chia sẻ thêm về quyết tâm của TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, cho biết, năm 2024, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thành phố với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thí điểm chuyển đổi 5 KCN-KCX theo hướng sinh thái và công nghệ cao; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về kinh tế tuần hoàn ở cấp độ thành phố/KCN/doanh nghiệp.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, cần xây dựng nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực như chính sách về KCN, khu kinh tế, chính sách đất đai, chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh…
Khánh An