Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:09 GMT+7

Tin hoạt động

Tiêu dùng năng lượng và phát triển bền vững ở Việt Nam

30/10/2023

TÓM TẮT:
Năng lượng tái tạo là một trong những lựa chọn cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nguồn năng lượng này không đủ thay thế cho các loại năng lượng khác, do đó tiêu dùng năng lượng bền vững được xem là một giải pháp đối với vấn đề môi trường. Bài viết sẽ cung cấp cách nhìn tổng quan giữa tiêu dùng năng lượng trong hộ gia đình và phát triển kinh tế nhằm xác định một số vấn đề cần tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.
Từ khóa: hộ gia đình, phát triển bền vững, tiêu dùng năng lượng.
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng cho thấy sự thiếu thân thiện với môi trường, còn nguồn năng lượng tái tạo vẫn được sử dụng hạn chế. Việt Nam đã bắt đầu xây dựng, tìm hiểu áp dụng các mô hình phát triển xanh, bền vững, thay thế cho mô hình cũ, thâm dụng năng lượng. Mối quan hệ giữa kinh tế và tiêu dùng năng lượng cũng là một vấn đề rất quan trọng cần được mở rộng nghiên cứu. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm những nguồn cung mới, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến giải pháp giảm cầu, hay chính là việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Bài viết này cung cấp một cách nhìn tổng quan về mối quan hệ tiêu dùng năng lượng trong hộ gia đình và phát triển kinh tế, nhằm xác định một số vấn đề cần tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.
2. Tiêu dùng năng lượng bền vững
Nói về hành vi mua, Schäfer và Bamberg, (2008) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện khác nhau trong cuộc sống là “cửa sổ những cơ hội” cho việc thay đổi hành vi và cơ hội để thiết lập thành công một hành vi hiệu quả hơn. Sammer và Wüstenhagen, 2006a, 2006b chỉ ra rằng, người tiêu dùng phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng hành vi của người tiêu dùng thay đổi theo các nhu cầu khác nhau - do ý nghĩa tượng trưng của các sản phẩm mang lại.
Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời với việc giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu độc hại và giảm phát thải các chất ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai (Hội thảo Tiêu dùng bền vững, Oslo, Nauy, 19 - 20/1/1994).
Tiêu dùng năng lượng bền vững là chủ đề hiện đang nhận được sự quan tâm sâu sắc trên thế giới và có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Tiêu dùng năng lượng đã chuyển sang giai đoạn là trung tâm của sự lo lắng về môi trường toàn cầu và nền kinh tế bởi những lo ngại về tác động của hệ thống sản xuất năng lượng hiện tại, sự tăng trưởng nhanh chóng việc tiêu dùng năng lượng (IPCC 2007) và sự phát triển nhu cầu cạnh tranh toàn cầu đối với các nguồn tài nguyên năng lượng. Tiêu dùng năng lượng có thể được xác định tùy thuộc vào từng góc nhìn cụ thể, trong nghiên cứu này chúng ta xem xét việc tiêu thụ điện trong hộ gia đình.
Hành vi tiêu dùng năng lượng thường là vô hình, được dựa trên thói quen và tập quán. Trong bối cảnh này, nhà xã hội học Wilhite, 2000 đã phát biểu rằng mọi người không chủ động tiêu dùng năng lượng, nhưng sử dụng các dịch vụ năng lượng để nâng cao mức sống gia đình, hoặc vận hành một doanh nghiệp. Ông cũng đồng thời chỉ ra những điều khiến việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng, các nhu cầu mới được xây dựng như thế nào và những mong đợi sự thoải mái và tiện nghi xuất hiện như thế nào.
Người tiêu dùng đã bắt đầu bày tỏ mối quan tâm của họ đến hành vi tiêu dùng năng lượng bền vững. Ví dụ, một số người tiêu dùng và các công ty quan tâm nhiều hơn về hành động của họ ảnh hưởng đến thế giới như thế nào: vậy nên họ đang dần hiểu hơn trong cách họ sử dụng năng lượng và các nguồn năng lượng. Nhằm giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, các chương trình nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững trên toàn thế giới đang được các quốc gia tích cực tham gia, với sự khởi xướng của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
3. Thực trạng tiêu dùng năng lượng tại Việt Nam
Sự phát triển của thị trường năng lượng bền vững là một trong những chủ đề quan trọng nhất trên toàn thế giới. Năng lượng được xem như một chất xúc tác cho nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năng lượng không chỉ sử dụng cho quá trình sản xuất công nghiệp và tiêu dùng gia đình, nó cũng là một nguồn gốc của nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng như khí tự nhiên, dầu mỏ, than đá, thủy điện, sinh khối, gió và năng lượng mặt trời,... Mục tiêu phát triển của ngành Năng lượng Việt Nam là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả của ngành Năng lượng vẫn còn thấp, chưa bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia (thiếu điện trong giờ cao điểm, dự trữ dầu quốc gia không đủ để bình ổn giá khi có cuộc khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế,…).
Như vậy, năng lượng là một yếu tố quan trọng đối với tất cả các hoạt động và tiêu thụ năng lượng có liên quan đến việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế. Do đó, vấn đề được quan tâm lớn nhất đối với Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII - QHĐ8) chính là bài toán về cơ cấu nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo được phát triển như thế nào để bảo đảm mục tiêu cung ứng điện nhằm đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. QHĐ8 sẽ là tấm gương phản chiếu mô hình tăng trưởng của Việt Nam, có tính quyết định đến chất lượng môi trường, chất lượng sống và sức khỏe người dân Việt Nam không chỉ trong 5 năm mà còn trong vài thập niên tới. Không dừng lại ở đó, QHĐ8 còn là bằng chứng để thế giới đánh giá về những cam kết và trách nhiệm về khí hậu của Việt Nam, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo toàn cầu tập trung tại Glasgow, Vương quốc Anh, dự Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) từ ngày 31/10/2021.
Hiện tại, điện là một trong những ngành công nghiệp cần được quan tâm đặc biệt, bởi có 5 vấn đề sau: Thứ nhất, mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng điện và sản lượng điện bình quân đầu người cao, nhưng điểm khởi đầu của ngành Điện tại Việt Nam lại rất thấp. Vì vậy, sản lượng điện bình quân đầu người vẫn còn thấp. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng điện thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ điện là rất cao vì tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng cao, thiết bị điện cũng ngày càng nhiều. Nhu cầu này tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của sản xuất điện, do đó sản xuất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Bản chất của điện không phải là sản phẩm có thể dự trữ được, do đó, nhu cầu và sản xuất là rất khác nhau (giờ cao điểm/thấp điểm). Thứ ba, thị trường điện cạnh tranh đã được hình thành và phát triển đầy hứa hẹn mặc dù mới chỉ là giai đoạn bắt đầu. Thứ tư, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,... đã được phát triển ở Việt Nam, nhưng sự kết hợp với việc bảo vệ môi trường không phải là dễ dàng, còn nhiều khó khăn thách thức đối với nông nghiệp khi hạn hán hoặc lũ lụt. Nhiệt điện phát triển tương đối nhanh, nhưng nguồn than và khí lại có giới hạn. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời còn cần được nghiên cứu cẩn thận, nhiều hơn về vốn đầu tư và giá mua. Thứ năm, việc sử dụng điện cũng có nhiều vấn đề. Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng điện GDP/kWh ở Việt Nam giảm, đó là bao nhiêu đồng GDP được tạo ra bởi một kWh điện (giá so sánh). Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam đứng thứ 3 ở châu Á về sử dụng năng lượng không hiệu quả. Giai đoạn 1990-1998, Việt Nam tiêu thụ 1,5 đơn vị điện để tạo ra một đơn vị GDP. Từ năm 1998 đến nay, để tạo ra một đơn vị GDP, mức tiêu thụ năng lượng đã tăng lên 1,83 đơn vị.
Để giảm sự mất cân đối cung cầu chúng ta phải tăng nguồn cung cấp và đồng thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng (trước tiên bắt đầu từ việc tiết kiệm điện). Nhu cầu năng lượng tăng nhanh, nguồn cung cấp có hạn mà hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, chính là một vấn đề năng lượng lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Môi trường sẽ cần phải được xét đến khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và năng lượng. Các lựa chọn cá nhân phản ánh giá trị, môi trường và lối sống sẽ ảnh hưởng và được đưa vào các mô hình tiêu thụ năng lượng.
4. Giải pháp của Việt Nam về việc tiêu dùng năng lượng bền vững
Trong 10 năm tới, dự báo nhu cầu điện tăng từ 15%-20%/năm. Đây là vấn đề chưa được giải quyết của Việt Nam khi đã sử dụng tất cả các năng lượng sơ cấp, còn năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế chưa được sử dụng nhiều. Vì vậy, không chỉ theo hướng sản xuất, chúng ta phải chú ý đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả, hay “tiêu dùng năng lượng bền vững”. Trước sự suy giảm năng lượng, Chính phủ Việt Nam xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) như là Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh của đất nước.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua và ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc SDNL TK&HQ. Trong đó, Chương trình Quốc gia về SDNL TK&HQ được triển khai trong giai đoạn 2006 -2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đã giảm lần lượt 3,4% và 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015. Trung bình, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm. Đồng thời Luật Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm đã được công bố.  
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030, điều đó đã thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung. Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8% - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030. 
Bên cạnh đó, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cũng chính thức phát hành Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình và văn phòng, nhà xưởng bản cập nhật năm 2021. Tài liệu này là nguồn tham khảo hữu ích cho người tiêu dùng nói chung trong việc tìm kiếm thông tin, giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt gia đình. Đồng thời, Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất và phát sóng Chương trình Phát triển kinh tế năng lượng với chủ đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần trên VTV2 để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện năng của nhân dân cả nước.
Chắc chắn, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên cùng với tốc độ tăng trưởng dân số và quyết tâm của chính phủ để duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong những thập kỷ tiếp theo. Để tập trung vào sử dụng năng lượng hiệu quả, các nhà marketing xã hội đã thực hiện các nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng điện trong các hộ gia đình đô thị tại Việt Nam và nhận ra 5 chức năng chính (tối thiểu) của các thiết bị điện, gồm: làm mát (mùa hè) và sưởi ấm (mùa đông) - phục vụ cho môi trường sống (máy giặt, bình nóng lạnh, nhà bếp,…), chiếu sáng, các phương tiện truyền thông (thiết bị điện tử). Theo kết quả khảo sát tại Việt Nam, tiêu thụ điện trong các hộ gia đình  khoảng 35-40% tổng tiêu dùng điện của quốc gia. Trung bình mỗi người dân thành thị chi khoảng 6 đến 8 triệu đồng mỗi năm (300USD - 400USD) cho tiêu thụ năng lượng. Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng, nếu tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn Led thì chúng ta sẽ tiết kiệm tương đương với việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW. Hay việc sử dụng nhiệt độ thấp (18-22 độ C) từ máy điều hòa nhiệt độ, không chỉ chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời, ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn gây lãng phí tài nguyên năng lượng điện.
Các thiết bị điện chính là những “nhà phân tích” mối quan hệ gia đình, xã hội, giữa cha mẹ và con cái. Chúng cho thấy những người nhiều tuổi quan tâm tới hành động tiết kiệm hơn, còn giới trẻ lại tiêu thụ điện năng nhiều. Vậy, làm thế nào để thay đổi hành vi của người tiêu dùng? Như cách của một người nông dân thay đổi canh tác trong các lĩnh vực của họ, chúng ta cũng vậy, hãy SDNL TK&HQ. Thay đổi hành vi tiêu dùng là một vấn đề tâm lý, xã hội và văn hóa phức tạp, đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ trong cách mọi người suy nghĩ và sử dụng năng lượng. Trong trường hợp sử dụng điện - sản phẩm hoặc dịch vụ được mua và giá trị thấy được như: để chạy tủ lạnh, bật đèn,… chứ không phải là electron chuyển vào lưới điện. Người tiêu dùng thanh toán hóa đơn tiền điện thường là cuối tháng hoặc đầu tháng sau, dẫn tới việc có thể sử dụng điện quá mức cần thiết và khó khăn cho họ để đánh giá và xem xét lại quyết định cho việc thay thế/nâng cấp các thiết bị điện trong gia đình (sang các loại công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện năng).
Tiết kiệm điện không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn giảm được nhu cầu sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm lượng phát thải khí CO2, hạn chế hiện tượng nóng lên của Trái đất. Mỗi hộ gia đình sử dụng năng lượng hiệu quả là tiết kiệm cho hôm nay và thế hệ tương lai. SDNL TK&HQ là một phương pháp hợp lý để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các trang thiết bị trong khi vẫn đảm bảo sản xuất năng lượng, giao thông vận tải, dịch vụ và các hoạt động khác. Trên thế giới, các hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được quan tâm từ rất sớm. Hầu hết Luật Tiết kiệm năng lượng của nhiều nước tập trung vào 4 nhóm, bao gồm: tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và đặc biệt là các thiết bị tiết kiệm năng lượng - đây là khu vực tiêu thụ hơn 70% năng lượng. Ở Việt Nam, mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế và công nghệ thì lạc hậu, vậy nên cần chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình, tại nơi làm việc và cả cộng đồng.
5. Kết luận
Nguồn năng lượng rất phong phú và đa dạng, nhưng không phải là vô hạn. Tiêu dùng năng lượng đồng nghĩa với việc phát thải có ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, thực hành tiết kiệm năng lượng từ nhận thức của từng thành viên, của mỗi thế hệ trong gia đình sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng, giảm lượng khí thải, tiết kiệm nhiều chi phí cho gia đình và đất nước.
Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, chất lượng không khí kém, sự suy giảm của dự trữ nhiên liệu hóa thạch,... là hậu quả lâu dài đối với môi trường do những tác động của con người. Việt Nam đã có một số chính sách và các chương trình, khuyến khích việc tiêu dùng tiết kiệm điện. Trọng tâm chính của việc tiêu thụ điện bền vững là vai trò của truyền thông trong việc định hình hành vi của người tiêu dùng, cần có một sự tập trung liên tục để thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng bền vững (đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng, thực hiện lối sống tiêu dùng năng lượng bền vững, hình thành văn hoá tiêu dùng năng lượng tiết kiệm,…), trong dài hạn. Bước tiếp theo là tập trung vào việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị tiêu dùng điện hiệu quả. Thay đổi hành vi người tiêu dùng chính là chìa khóa dẫn tới tiêu dùng bền vững, một trong những trụ cột thiết yếu của phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. IPCC. (2007). Climate Change 2007: Synthesis Report, Contribution of Working Groups I, II and III to the Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change, Core Writing Team, R.K Pachauri and A. Reisinger, eds. Geneva, Switzerland: Intergovernmental Panel on Climate Change.
2. Sammer, K. and R. Wüstenhagen. (2006a). The influence of eco-labelling on consumer behaviour - Results of a discrete choice analysis for washing machines. Business Strategy and the Environment 15, 185-199.Sammer, K. and R. Wüstenhagen. (2006b). Der Einfluss von Öko-Labelling auf das Konsumentenverhalten - ein Discrete Choice Experiment zum Kauf von Glühlampen, in: Pfriem, R., R. Antes, K. Fichter, M. Müller, N. Paech, S. Seuring and B. Siebenhüner (Eds.). Innovationen für Nachhaltige Entwicklung, Wiesbaden, 469-487.
3. Schäfer, M. and S. Bamber. (2008). Breaking habits: Linking sustainable campaigns to life sensitive events, SCORE! Proceeding’s 10-11 March 2008, Brussels.
4. Shipworth, M. (2002). Motivating Home Energy Action: A Handbook of What Works. Australian Greenhouse Office. Retrieved May 21, 2008: http://www.environment.gov.au/settlements/local/publications/pubs/motivating.pdf
5. Wilhite, H., E. Shove, L. Lutzenhiser and W. Kempton. (2000). The Legacy of twenty years of demand side management: We know more about individual behaviour but next to nothing about demand, in: Jochem, E., J. Stathaye and D. Bouille (Eds.), Society, behaviour and climate change mitigation.
6. Energy consumption and sustainable development in Vietnam
Ph.D Dang Thi Thu Ha
Lecturer, Department of Industrial Economics
School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
Renewable energy is a solution for sustainable development. However, renewable energy sources have not yet met Vietnam’s energy demand to replace non-renewable energy sources. As a result, sustainable energy consumption is considered as a solution to tackle environmental problems. This paper presents an overview on household energy consumption and economic development to point out some issues that Vietnam should focus to solve to create favorable conditions for sustainable development.
Keywords: household, sustainable development, energy consumption.
TCCT ĐẶNG THỊ THU HÀ
Giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội
[Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]