Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ là thách thức mà còn mang đến cơ hội để doanh nghiệp xây dựng được chiến lược phát triển hiệu quả nhất.
Xu hướng tất yếu
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Theo đó, Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo "Chuyển đổi xanh - xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp"
Vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh - xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”. Hội thảo là không gian để cộng đồng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định. Chương trình bàn thảo về “bức tranh” phát thải toàn cầu chuỗi cung ứng, tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là thực trạng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trước các yêu cầu xanh hoá sản xuất của thị trường hiện nay; tổng quan chuyển đổi xanh, quy định pháp luật của Việt Nam về Net-Zero và lộ trình thực hiện. Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với các doanh nghiệp hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - đánh giá, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt…, việc từng bước “xanh hóa” sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh để hướng tới sản xuất xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với các cam kết hành động mạnh mẽ của Việt Nam, Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Các giải pháp hỗ trợ
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - cho biết, năm 2021, Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, sự chung tay thực hiện của cả nền kinh tế, đặc biệt là quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các giải pháp giảm phát từ chính cộng đồng doanh nghiệp sản xuất - hiện đang là các nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu hiện nay.
Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng TRẦN VĂN VŨ: Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp có được chứng chỉ môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu... |
Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ, thúc đẩy 3 nhóm giải pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch - nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính hiện nay. Các giải pháp này đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, được Chính phủ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2006 đến nay và tiếp tục thực hiện đến năm 2030.
Thứ hai, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen... Việc gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng này cũng làm giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như hiện nay. Để hỗ trợ thực hiện các giải pháp này, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các loại hình năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ chất thải...
Thứ ba, áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Để hỗ trợ giải pháp này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp từ năm 2009 và đã được nâng cấp, bổ sung nội dung thực hiện thành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Công Thương chủ trì triển khai thực hiện theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình. Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025 là những cơ chế thị trường sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Sohaco Toàn cầu - cho rằng, các quy định về kiểm kê khí nhà kính hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc được chứng nhận kiểm kê khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp cải thiện uy tín của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới, Sohaco phối hợp với các quỹ và đơn vị tài chính để đầu tư 100% kinh phí lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái cho nhà dân, doanh nghiệp, trụ sở, cơ quan, nhà máy… trên phạm vi toàn quốc theo Quy hoạch điện VIII.
Theo: Báo Công Thương