Thái Bình: Hướng phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh thân thiện môi trường
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đang hình thành các KCN xanh, KCN thông minh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.
Phát triển các khu công nghiệp xanh
Theo lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp: Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Thái Bình luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao. Để Thái Bình trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước, tỉnh đã hướng đến phát triển các KCN xanh, KCN thông minh.
KCN Liên Hà Thái được UBND tỉnh định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi tuần hoàn cho giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Thái Bình quyết tâm xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh (Ảnh: minh họa)
Theo BQL các KCN: Với quy hoạch là hệ sinh thái xanh, sạch, thu hút nguồn vốn đầu tư vào sản xuất có chọn lọc, nơi đây cũng thu hút nhiều dự án mới hàng trăm triệu USD. Sau gần 2 năm, KCN Liên Hà Thái đã đón gần 30 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư thu hút được 11 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, với tỷ suất vốn đầu tư cao, các dự án được lựa chọn đầu tư vào KCN Liên Hà Thái thực sự là những nhà đầu tư có chất lượng hàng đầu hiện nay tại Thái Bình và khu vực.
Với năng lực sẵn có, các nhà đầu tư đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó 3 dự án chỉ sau hơn 1 năm đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động gồm nhà máy Ohsung Vina Thái Bình, nhà máy Lotes Việt Nam, nhà máy JingYang Electric. Những dự án khác như Greenworks, Nam Tài đang ngày đêm tập trung xây dựng, phấn đấu hoàn công, bắt đầu sản xuất trong năm 2023.
Ông Phạm Văn Chung - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thái Thụy cho biết: KCN Liên Hà Thái được tỉnh xác định là dự án trọng điểm và quyết tâm xây dựng trở thành KCN tiên phong, kiểu mẫu trong Khu kinh tế Thái Bình. Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng - yếu tố then chốt trong đẩy nhanh thực hiện dự án và thu hút đầu tư KCN được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tập trung chỉ đạo, triển khai; trong đó, huyện Thái Thụy và các địa phương trong vùng dự án thực hiện rất tích cực để giao đất cho nhà đầu tư.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn. Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh.
Thái Bình lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa (Ảnh minh họa)
Mới đây, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án khu công nghiệp như, phấn đấu khởi công KCN VSIP vào đầu xuân Giáp Thìn 2024. Được biết, KCN VSIP Thái Bình tại huyện Thái Thụy do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore làm nhà đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất 333,4ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.932,364 tỷ đồng, tương đương gần 212 triệu USD. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư thống nhất lộ trình, nội dung các công việc cần triển khai và phân công nhiệm vụ thực hiện dự án. Các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... được thực hiện song song để rút ngắn thời gian triển khai dự án, phấn đấu khởi công xây dựng vào đầu xuân Giáp Thìn năm 2024.
Theo ông Edmund Chong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore cho biết đã chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực và phương án để sẵn sàng thực hiện. Đồng thời tích cực quảng bá KCN VSIP Thái Bình tới các đối tác nhà đầu tư, nhằm mở đường cho hoạt động thu hút đầu tư dự án thứ cấp khi KCN đủ điều kiện. Nhà đầu tư mong muốn các sở, ngành, địa phương đồng hành hỗ trợ VSIP để có quỹ đất, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục như báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm tra phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000, thành lập doanh nghiệp dự án tại địa phương...
Nhân rộng mô hình ...
Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cho biết: VSIP là nhà đầu tư lớn, có uy tín và thành công trong đầu tư, quản lý hạ tầng, thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn cả nước. Các khu VSIP tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút được tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ USD và tạo khoảng 300.000 việc làm.
Việc VSIP quyết định đầu tư dự án vào tỉnh khẳng định Thái Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn. Dự án được đầu tư sẽ củng cố thêm uy tín trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của tỉnh; tạo sự đột phá phát triển khu kinh tế, trở thành mô hình mẫu về KCN công nghệ cao, công nghiệp xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Theo ông Thận, Thái Bình coi trọng và đánh giá cao dự án KCN, uy tín của nhà đầu tư VSIP và đã đồng hành, vào cuộc tích cực nên nhà đầu tư cũng cần có trách nhiệm cao trong việc triển khai đầu tư hạ tầng KCN, thu hút dự án thứ cấp có chất lượng cao vào hoạt động.
Thời gian qua, dự án KCN Thaco – Thái Bình gặp một số khó khăn khiến việc đầu tư hạ tầng và triển khai các dự án thứ cấp chậm được thực hiện. Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, nhà đầu tư mong muốn UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, quyết toán tài chính...
Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh, KCN Thaco – Thái Bình sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Việc triển khai KCN xanh theo mô hình mới tại Thái Bình phù hợp nhu cầu thực tế và đáp ứng đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, giúp tỉnh thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Thời gian tới, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao nên đã quy hoạch phát triển KCN xanh và KCN thông minh để thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, các DN tại tất cả các KCN của tỉnh vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thái Bình lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Thái Bình đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư.
Theo: Diễn đàn Doanh nghiệp