Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:22 GMT+7

Sản xuất bền vững

Làng nghề xanh, sản xuất sạch

14/09/2023

Cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống với khoảng 11 triệu lao động. Thành phố Hà Nội là địa phương có số làng nghề dẫn đầu cả nước...
Để phát triển các làng nghề một cách bền vững, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch được xem là hướng đi tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, bảo vệ môi trường, giúp dễ dàng tiếp cận các thị trường mới...
Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm
Tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hôm nay khác xa với hình ảnh 20 năm trước. Không còn lò nung gốm bằng than, người dân Bát Tràng đã hội nhập sâu vào phong trào tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, trước đây, khi Bát Tràng sản xuất bằng phương pháp cũ, mỗi ngày làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Hiện tại, hầu hết các hộ gia đình đã chuyển đổi công nghệ sang lò gas và lò điện.
“Đến thời điểm này, Bát Tràng có gần 1.000 hộ dân sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60-70% trước kia”, bà Hà Thị Vinh nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Văn Họa, trước đây, người dân làm bún thủ công, nấu bún bằng than tổ ong, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và sức khỏe người lao động. Từ năm 2000 trở lại đây, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các mô hình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường đã được triển khai ở làng bún Phú Đô.
“Khi chưa áp dụng máy móc, đốt lò than, sản lượng bún chỉ đạt 1 đến 2 tạ/hộ/ ngày. Nay hộ sản xuất lớn có thể làm được 1,5 đến 2 tấn bún/ngày. Mỗi ngày, Phú Đô cung cấp cho thị trường Hà Nội gần 90 tấn bún”, ông Nguyễn Văn Họa cho hay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Như Chinh cho biết, trên cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống. Việc các làng nghề áp dụng mô hình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng đã góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thương trường và giúp cơ sở sản xuất tiếp cận dễ dàng hơn với kênh phân phối hiện đại.
Hỗ trợ làng nghề chuyển đổi công nghệ
Mặc dù chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng việc tiếp cận với khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất ở các làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn.
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có 70% máy móc, trang thiết bị ở các làng nghề còn đơn giản, thủ công. Các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn, như: CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây, tre đan, làm nón, tăm, hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh, gây phát sinh một lượng lớn khí SO2.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), ông Lại Đức Tuấn cho biết, còn nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề vẫn sử dụng các thiết bị tiêu tốn năng lượng. Chẳng hạn, đối với ngành sản xuất giấy, chi phí năng lượng thường chiếm từ 20% đến 40% giá thành sản phẩm. Suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tại các cơ sở sản xuất giấy, nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, luôn cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt, một trong những cách để giảm chi phí sản xuất là việc đầu tư hiện đại hóa máy móc thiết bị. Bởi, các dây chuyền công nghệ lạc hậu thường sử dụng rất nhiều nhiên liệu và hiệu quả sản xuất không cao. Thế nhưng, không có nhiều hộ gia đình có điều kiện để mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. Do đó, để khoa học, kỹ thuật, công nghệ được áp dụng vào sản xuất, rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cũng như giá năng lượng sạch đối với các làng nghề.
Chẳng hạn, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, như đối với làng nghề Bát Tràng, thành phố có thể khuyến khích người dân áp dụng điện mặt trời cho việc sấy và hòa lưới điện để phục vụ những lò điện đốt có nhiệt độ dưới 1.200 độ. Đây cũng là điều kiện tốt để thay thế năng lượng khí gas hóa lỏng, góp phần giảm chi phí sản xuất và cải thiện môi trường làng nghề.
Liên quan đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Sở cũng đã phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp thông qua kiểm toán năng lượng tại 58 cơ sở…
Theo: Hà Nội mới