Tham vấn Quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương
Ngày 14/9/2023, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua hoạt động của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (Dự án VLEEP II) tổ chức Hội thảo tham vấn nội dung Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương (Thông tư).
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các Bộ, banh ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Tăng Thế Hùng cho biết: Việt Nam đặt ra mục tiêu cao về giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC 2022) đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).
Triển khai quy định về Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, ngày 07 tháng 01 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg; Ngày 07 tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội thảo mong muốn nhấn được tham vấn và ý kiến đóng góp của các Bộ, ban ngành, địa phương, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp... nhằm hoàn thiện các nội dung Thông tư - ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết.
Thực hiện quy định của pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương triển khai xây dựng “Thông tư quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương”. "Vì vậy Hội thảo ngày hôm nay với mong muốn nhận được tham vấn và ý kiến đóng góp Bộ, ban ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp, các tổ chức và các chuyên gia nhằm hoàn thiện các nội dung Thông tư đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện." - ông Tăng Thế Hùng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày tại hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững giới thiệu về Tổng quan và Quy trình kiểm kê khí nhà kính ((KNK)) ngành Công Thương (cho cấp lĩnh vực và cấp cơ sở) (KNK); Quy trình Đo đạc, Báo cáo, thẩm định (MRV) của các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho cấp lĩnh vực và cấp cơ sở.
Ông Hoàng Văn Tâm cho biết, Thông tư được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK ngành Công Thương. Trong đó các các nguyên tắc Kiểm kê KNK và MRV cần tuân thủ: Tính đầy đủ; Tính nhất quán; Tính minh bạch; Tính chính xác và Tính cải tiến liên tục.
Ông Trần Đỗ bảo Trung - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trinh bày tại hội thảo.
Ông Trần Đỗ Bảo Trung - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có bài trình bày về Quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải Khí nhà kính và thị các-bon ở Việt Nam. Ông Trung nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu theo "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050" thì nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 giảm 30% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2020 và đến năm 2050 giảm 40% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2030. Đồng thời, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2 trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2 trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2 trở lên từ năm 2050. Mọi cơ sở thuộc khu vực công phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, các tổ chức và các chuyên gia đóng góp, thảo luận, trao đổi ý kiến để Thông tư được tiếp tục hoàn chỉnh. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương sẽ ghi nhận, tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện các nội dung Thông tư.
Mội số hình ảnh tại Hội thảo:
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (phải) trả lời câu hỏi của các đại biểu tại Hội thảo.
Ông Hoàng Văn Tâm (trái), ông Trần Đỗ bảo Trung - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (phải).
Ông Jogen Hvid - Chương trình Đối tác Việt Nam - Đan Mạch.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam đặt câu hỏi tại Hội thảo.
Ông Phạm Văn Tuyền - Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa.
Bà Lê Hồng Điệp - Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Anh Thư