Song song với ban hành chủ trương, tỉnh chỉ đạo các địa phương phải nghiêm túc thực hiện việc chuyển đổi, tăng cường vận động tuyên truyền cho các cơ sở nhận thức về sản xuất gạch không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân rất cần thiết chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất gạch không nung bêtông sử dụng nguyên liệu xi măng bền sunfat + cát, xi măng + Puzzoland + đá mi bụi, mạt đá đất đồi, phế thải xây dựng, đá có cường độ thấp, xỉ than; Chuyển đổi sản xuất theo công nghệ mới lò Tuynel, hoffman… không khói bụi thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó tỉnh đã áp dụng chính sách hỗ trợ 30% chi phí chuyển đổi công nghệ mới để khuyến khích các cơ sở. Hiện nay An Giang cũng đã qui hoạch 3 khu công nghiệp tại xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) 28 ha; khu công nghiệp Bình Mỹ (Châu Phú) 25 ha và xã Hòa Bình Thạnh (Châu Thành) 20 ha, để tạo quỹ đất cho các cơ sở muốn gắn bó lâu dài với nghề sản xuất gạch di dời vào sản xuất ổn định, an toàn, xa khu dân cư không ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Với giải pháp này phù hợp với nguyện vọng của các cơ sở, đã có nhiều hộ hưởng ứng, đã 46 lò gạch chuyển đổi sản xuất bằng công nghệ tiên tiến sử dụng nhiên liệu đốt là trấu có sẵn tại địa phương, có sản lượng 500 triệu viên/năm và 6 đơn vị đã đầu tư sản xuất gạch không nung với công suất 55 triệu viên/năm. Theo ông Huỳnh Văn Thoại, chủ cơ sở sản xuất gạch xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) hoạt động từ năm 2002 với 6 lò thủ công, đến nay ông đã đập bỏ lò cũ chuyển đổi 2 lò hoffman với 36 miệng lò, cho biết: chất lượng gạch sản xuất theo công nghệ mới tương đương gạch nung thủ công, đặc biệt rút ngắn thời gian gạch ra lò mỗi ngày/mẻ, thay vì 15 ngày/ mẻ (lò thủ công), giảm được nhân công, chi phí, giá thành, giảm 90% khói bụi, tăng lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với lò thủ công và có thể cung cấp gạch ngay khi có nhu cầu đột xuất.
Còn ông Phạm Văn Ve, chủ cơ sở sản xuất gạch Hưng Phát, xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) hoạt động từ 10 năm nay với 6 lò thủ công, từ năm 2010 ông đầu tư 1 tỷ chuyển sang lò Thái. Đầu năm 2014 ông đầu tư 2 tỷ đồng tiếp tục chuyển sang lò hoffman với 38 miệng lò cho ra sản lượng 4.000 viên/ngày. Sau 5 tháng vận hành lò kiểu mới thân thiện với môi trường ông đã khẳng định, hiệu quả tăng gấp 2 - 3 lần lợi nhuận, đặc biệt không có khói bụi thải ra môi trường, gạch chỉ có 2 loại, giảm 2 loại so sản xuất nung thủ công nên dễ kiểm tra, đảm bảo không có gạch chất lượng thấp loại 3 loại 4, giá thành giảm từ 100 đồng - 180 đồng do giảm thời gian nung đến 14 ngày/mẻ, kéo theo giảm nhiên liệu trấu đốt.
Còn ông Đỗ Văn Ngợi, Chủ cơ sở gạch Thành Công (huyện Chợ Mới), cơ sở có 3 lò gạch thủ công hoạt động đã 14 năm nay, mỗi tháng sản xuất 40.000 viên, giải quyết việc làm cho 6 người con trong gia đình và 14 lao động tại địa phương, thu nhập từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/ngày/người. Hiện nay cơ sở còn duy trì sản xuất thủ công, ông Ngợi cũng mong muốn chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ mới, nhưng còn khó khăn về mặt bằng quá hẹp chỉ có 0,25 ha, chi phí đầu tư chuyển đổi ban đầu quá cao, ông cũng sẵn sàng di dời vào khu qui hoạch hoặc mua được đất rộng hơn để tiếp tục hoạt động, giải quyết việc làm cho các con trong gia đình và lao động tại địa phương.
Theo Sở Xây Dựng tỉnh An Giang, hình thành gần 100 năm nay, sản suất gạch nung của tỉnh An Giang phát triển rất mạnh, toàn tỉnh có 617 cơ sở sản xuất gạch đất nung thủ công với 1.557 lò, sản lượng 878 triệu viên/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và tiêu thụ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân, Châu Phú, đã giải quyết việc làm cho gần 15.000 lao động thường xuyên và thời vụ tại chỗ. Đáng lưu ý, hiện nay có trên 38% cơ sở với 592 miệng lò nằm xen trong khu dân cư và gần 52% cơ sơ có 889 miệng lò sản xuất gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cho người dân rất nghiêm trọng và từ thực tế còn cho thấy hoạt động sản xuất gạch đất sét nung đã làm cho trên 1.100 người mắc các bệnh lao phổi và mắt. Ngoài ra hàng năm còn mất khoảng 50 ha đất nông nghiệp dưới độ sâu 1,2 mét và hơn 1.400 ha đất nông nghiệp bị bạc màu do khai thác lớp đất mặt để làm nguyên liệu sản xuất, đến nhiều năm sau phù sa mới bồi đấp đủ cho đất trở về nguyên trạng./.