Đắc Lắk ban hành Kế hoạch hành động áp dụng SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011- 2015
Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công nghiệp về giá trị sản xuất, số lượng các cơ sở tham gia sản xuất công nghiệp của tỉnh Đắk Lắk ngày càng tăng nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lạc hậu về cả công nghệ máy móc thiết bị và cách thức quản lý dẫn đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên liệu chưa hợp lý, bị thất thoát ra môi trường dưới dạng chất thải, không những gây lãng phí lớn mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất đang ngày một nghiêm trọng, mặc dù UBND tỉnh Đắc Lắk đã có nhiều văn bản về việc áp dụng công nghệ sạch, các giải pháp sản xuất sạch nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược, hành động cụ thể nào nhằm chỉ ra những định hướng lâu dài cũng như cách thức cụ thể để tiến hành các hoạt động này.
Với yêu cầu và tính cấp thiết từ thực tế sản xuất của các cơ sở, các doanh nghiệp và hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Đắc Lắk đã xây dựng kế hoạch hành động với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được áp dụng hiệu quả và rộng khắp.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, trên cơ sở thúc đẩy việc tăng cường, quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về thúc đấy sản xuất sạch hơn và nâng cao nhận thức, ý thức của các doanh nghiệp và cộng đồng về sản xuất sạch trong công nghiệp.
Việc áp dụng sản xuất sạch mang tính tự nguyện cao, được thực hiện bằng sự tự giác của các cơ sở sản xuất công nghiệp, kết hợp giữa phát huy nội lực doanh nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia tư vấn; đặc biệt khuyến khích đối với các doanh nghiệp, cơ sở có mức độ ô nhiễm môi trường cao trong các khu, cụm công nghiệp và trong các khu dân cư. Áp dụng sản xuất sạch hơn phải bền vững dựa trên cơ sở các doanh nghiệp tự nhận thức rõ sản xuất sạch hơn đem lại cho doanh nghiệp lợi ích kép về môi trường và kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2015, có 100 % các cấp quản lý được phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, có 50 % doanh nghiệp có cán bộ kỹ thuật được tập huấn về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, có 25 % cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 10 % cơ sở sản xuất nằm ngoài khu cụm công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.
Đối với các doanh nghiệp được áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) từ 5 – 8 %, giảm chất thải 10% trong một số ngành như chế biến lâm sản, chế biến nông sản, thực phẩm…
Để thực hiện thành công kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, các cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh về thúc đấy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, triển khai kế hoach hành động; thành lập đơn vị hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Nguyễn Như Hoàng
Trung tâm khuyến công Đắk Lắk