Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:03 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái sinh chai nhựa, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn

26/06/2023

Tăng vòng quay sử dụng cho các chai nhựa, hộp nhựa không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa mà còn giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm đầu cuối và là mảnh ghép quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đưa chai nhựa cũ vào vòng đời sử dụng mới
Có khoảng hơn 1,3 tỉ chai nhựa qua sử dụng đã được “tái sinh” trở lại thành hạt nhựa nguyên sinh trong năm 2022, sẵn sàng cho hành trình trở lại tay người tiêu dùng. Đây là số chai nhựa qua sử dụng được tái chế theo quy trình hiện đại từ “chai đến chai” (bottle to bottle) tại nhà máy tái chế của Công ty Cổ Phần Nhựa Tái Chế DUYTAN (DUYTAN Recycling – DTR).
Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân tại Tỉnh Long An.
Cuối tháng 4 vừa qua, nhà máy này khánh thành giai đoạn 1 với năng lực sản xuất 30.000 tấn/năm tại huyện Đức Hòa (Long An) sau khi khởi công vào năm 2019. Theo kế hoạch, công suất nhà máy sẽ lần lượt được nâng lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4 tỷ chai nước sẽ được tái chế và 100.000 tấn nhựa/năm.
Sau khi thu gom, phân loại và làm sạch, số chai nhựa rác thải được tái chế thành hạt nhựa nguyên sinh chất lượng cao sau nhiều công đoạn phức tạp. Hạt nhựa này là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Hiện nay, sản phẩm của DTR không chỉ cung cấp cho các nhãn hàng FMCG lớn của Việt Nam mà còn đã xuất khẩu 4.200 tấn sang 12 quốc gia, trong đó có Mỹ và châu Âu, là những thị trường yêu cầu rất khắt khe về tính an toàn của nhựa trong ngành thực phẩm.
Vòng quay của chai nhựa về mặt lý thuyết có thể lặp lại vô số lần. Chẳng hạn, thống kê của đại diện nhà máy DTR cho thấy, vòng đời chai nhựa ở thị trường Na Uy có thể lên đến 97%, tức cứ 100 chai nhựa thì sẽ thu hồi và tái chế 97 chai, sau đó quay trở lại với người tiêu dùng dưới hình thức là sản phẩm nào đó. Tại Việt Nam, con số vòng quay được lãnh đạo DTR kỳ vọng đạt ít nhất là 50 lần.
Nhà máy tái chế nhựa DUYTAN đi vào hoạt động giúp lĩnh vực tái chế nhựa của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, không chỉ giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu nhựa mà còn giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ nhựa sử dụng một lần. Thống kê cho thấy tại Việt Nam, hoạt động thu gom rác thải nhựa chỉ mới đạt khoảng 27%, trong đó chỉ có 10% là tái chế được.
Trong mô hình tái chế này, để đảm bảo nguồn cung phế liệu, DTR xây dựng đồng thời hệ thống các điểm thu gom nhằm đảm bảo đồng nhất nguyên liệu đầu vào. Ước tính, DTR hiện có khoảng 100 trạm thu gom vệ tinh và sơ chế tại khu vực miền Trung và miền Nam. Trong tương lai, nhà máy có khoảng 2.000 nhà cung cấp chiến lược, để đảm bảo kế hoạch đặt ra là 100.000 tấn/năm, tức hoạt động 100% công suất thiết kế dự kiến ban đầu.
Rác thải nhựa được phân loại, làm sạch để tái chế
Hướng đến xây dựng kinh tế tuần hoàn
Tái chế đang là xu hướng ngày càng thấy rõ hơn trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, là vấn đề mà các tập đoàn sản xuất lớn đều đang hướng đến. Trong công bố gần đây, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, trong năm 2023 sẽ thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì (bao gồm 6 loại bao bì chính là bìa giấy, vỏ hộp giấy, nhựa PET, nhựa HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm bao bì đa vật liệu mềm, nhôm) với chi phí cạnh tranh hợp lý và khả năng gia tăng sản lượng.
Các hoạt động khác liên quan đến triển khai thực hiện các quy chuẩn mới về thu gom và tái chế cũng như hoạt động truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh theo.
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt nhà máy tái chế DTR, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, đánh giá nhà máy tái chế nhựa DUYTAN là trường hợp tiên phong và điển hình cho các đơn vị khác để cùng tham gia vào thị trường nhựa tái chế.
Ông cũng cho biết thêm, với thị trường này, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản về công nghệ, vốn, con người để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường.
Theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng thông qua vào giữa năm 2022, một trong những mục tiêu đáng kể là đến năm 2025 sẽ tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển. Mục tiêu năm 2030 là tỷ lệ thu gom, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 50%, rác hữu cơ ở đô thị là 100% và ở nông thôn là 70%.
Theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển Bền vững của DTR, hoạt động tái chế của DTR không chỉ cung cấp những sản phẩm đáp ứng chuẩn mực cao nhất, đặc biệt là bao bì thực phẩm mà còn là mảnh ghép bổ sung quan trọng trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trên thực tế, bản thân nhà máy DTR hiện được vận hành theo tiêu chí “3 không” trong quá trình sản xuất. Đó là “Không rác thải – Không khí thải – Không nước thải”, nhờ tái sử dụng các nguồn năng lượng, phế thải phát ra trong quá trình sản xuất.
Do đó, việc nhà máy DTR đi vào hoạt động giúp hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, giúp giảm thiểu tác động tới môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì.
Bức tranh chung là các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào mô hình sản xuất tuần hoàn. Mô hình này không chỉ giúp giải quyết bài toán môi trường hay chi phí sản xuất mà còn giúp cho sản phẩm Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ đạt chuẩn “tái sinh”.
Tuy nhiên, lộ trình xây dựng kinh tế tuần hoàn sẽ còn rất dài và cần nhiều bên cùng tham gia. Việc giảm rác thải nhựa nói chung cần sự triển khai đồng bộ và nhất quán từ cả phía chính phủ, các công ty sử dụng bao bì và cả người tiêu dùng.
Theo: Kinh tế Sài Gòn Online