Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:29 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Heineken Việt Nam tiên phong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

03/07/2023

Được thành lập vào năm 1991, đến nay Heineken Việt Nam vận hành 6 nhà máy bia tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tiền Giang và 11 văn phòng trên khắp Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, phát triển bền vững luôn là trọng tâm được Heineken đặt lên hàng đầu. Đây cũng là doanh nghiệp nhiều năm giữ vững vị trí top 3 các doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.
Heineken được đánh giá là một trong số ít các doanh nghiệp đạt được những thành công nhất định trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh doanh theo hướng tuần hoàn nói riêng.
Dây chuyền sản xuất bia tự động tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam chia sẻ, để góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay 5/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp đã hỗ trợ mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỉ đồng cho người dân địa phương chỉ riêng trong năm 2019. Sáng kiến này là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương.
Trong khâu đóng gói, 100% chai thủy tinh của Heineken được tái sử dụng hơn 30 lần. Nhờ vào đó, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%, ngoài ra 100% chai thủy tinh hết hạn sử dụng hoặc bị vỡ đều tiếp tục được đưa vào tái chế. Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Cụ thể, những chiếc két bia của hãng có tuổi thọ từ 5 – 10 năm và cũng được tái chế sau khi hết hạn hoặc hư hỏng. Đối với sản phẩm đóng lon, Heineken sử dụng thùng giấy carton và lon nhôm, cũng có khả năng tái chế lên đến 100%. 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton là sản phẩm tái sinh.
100% vỏ chai bia có khả năng tái sử dụng trên 30 lần.
Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Đến nay, nước thải tại 6/6 nhà máy đều đạt, đủ tiêu chuẩn nuôi cá, 8% nước thải sau khi xử lý ở nhà máy Vũng Tàu được tái sử dụng ở các khâu không liên quan đến sản phẩm.
Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng tối ưu khâu phân phối sản phẩm, giúp giảm 2.000 tấn CO2; sử dụng 100% tủ lạnh xanh giảm 65% khí CO2; cải tiến trong bao bì cũng giúp doanh nghiệp giảm 273 tấn giấy trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Heineken Việt Nam còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững tới toàn bộ nhân viên thông qua chương trình văn phòng xanh. Chương trình hướng tới việc giảm tiêu thụ nước, giấy và điện, phân loại rác tại tất cả các văn phòng và nhà máy, đồng thời khuyến khích nhân viên thực hành lối sống thân thiện với môi trường như đi chung xe tới nơi làm việc hay nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.
5 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, Heineken Việt Nam còn tiên phong lan tỏa khái niệm và thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo về kinh tế tuần hoàn cho  doanh nghiệp thành viên VBCSD và tổ chức huấn luyện về phát triển bền vững cho trên 100 nhà cung cấp.
Hơn 30 năm qua Heineken Việt Nam luôn lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trọng tâm chiến lược trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Công ty tiếp tục chọn “sống xanh” vì một Việt Nam tốt đẹp hơn và truyền cảm hứng chọn “sống xanh” cho các doanh nghiệp khác và toàn xã hội.
Anh Thư