Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:13 GMT+7

Sản xuất bền vững

Mô hình phát triển bền vững cho khoai tây

30/06/2023

Nhờ áp dụng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ khoai tây, đã giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng khoai tây, đem về lợi nhuận thực tế sau canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.
Khoai tây nói riêng và cây trồng có củ nói chung là cây trồng quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Khoai tây ở Việt Nam hiện chủ yếu là các loại khoai tây phục vụ ăn tươi tại thị trường nội địa. Ước tính, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, song sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40%, còn lại phải nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau.
Nông dân thu hoạch khoai tây (Nguồn: Internet)
Nguyên nhân chính là do áp lực sâu bệnh trên cây khoai tây rất lớn. Việc quản lý sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây thương phẩm luôn là bài toán khó và cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nông dân chưa mặn mà với cây trồng này, vì thế diện tích trồng khoai tây ở Việt Nam sụt giảm trong thời gian qua.
Do đó, kể từ năm 2019, Syngenta, PepsiCo, đồng trưởng nhóm công tác rau quả thuộc đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), phối hợp với các đối tác như Yara, Minosatek/Khang Thịnh cùng một số tổ chức phi chính phủ như USAIDS, Resonance triển khai mô hình hợp tác chiến lược trong sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam. 
Đây cũng là mô hình điểm liên kết trong nông nghiệp nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành và địa phương trên khắp cả nước. Thông qua dự án, nông dân trồng khoai tây sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật như giống mới, kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn, kỹ thuật bón phân an toàn và tiết kiệm, công nghệ tưới tiết kiệm nước (phun sương, nhỏ giọt), áp dụng cơ giới hóa, máy thu hoạch trong sản xuất khoai tây bền vững… đã chứng minh được tính hiệu quả trên thực tế. 
Syngenta và PepsiCo hợp tác phát triển khoai tây bền vững tại Việt Nam (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Mô hình bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai… làm cơ sở mở rộng sản xuất khoai tây sang các vùng sản xuất mới tại Việt Nam cho các vụ tiếp theo. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hệ số sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, luân canh cây trồng, cải tạo đất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau gần 4 năm xây dựng và phát triển các mô hình khoai tây, diện tích, sản lượng cũng như thu nhập của người dân tham gia dự án đã có sự cải thiện rõ rệt. Nếu như niên vụ 2018- 2019, diện tích khoai tây chỉ đạt 400 ha với gần 600 nông dân tham gia, thì đến giai đoạn 2021- 2022, diện tích canh tác khoai tây đã tăng gấp 3 lần với 1.269 ha, năng suất khoai tây trung bình có thể đạt 30- 35 tấn/ha, thậm chí có thể lên 50 tấn/ha.
Trong giai đoạn 2022- 2025, các bên trong chuỗi liên kết sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng dự án phát triển nông trại khoai tây kiểu mẫu tại một số tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai. Dự án đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất đạt trên 2.000 ha với hơn 1.000 nông dân tham gia dự án, hướng đến giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng khoai tây, đem về lợi nhuận thực tế sau canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.
Năm 2022, lô khoai tây đầu tiên đã được xuất sang Thái Lan và được đối tác đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Sự khởi đầu này là cơ sở để PepsiCo Việt Nam đặt mục tiêu xa hơn trong việc xây dựng Việt Nam trở thành nước xuất khẩu khoai tây chính cho các nước Đông Nam Á thông qua việc mở rộng diện tích với sự tham gia nhiều hơn của người dân và các đối tác tại Việt Nam.
Tuệ Lâm