Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:21 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tp. Hồ Chí Minh tăng cường chuyển đổi mô hình khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững

20/10/2022

Đây là định hướng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn của Thành phố, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi để nắm bắt xu thế
5 năm qua, khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. HCM) đã diễn ra sự kết hợp đặc biệt, khi cả ba nhà máy của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Meizan CLV và Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương đã tiến hành liên kết, sử dụng chung nguồn cung ứng để triển khai mô hình sản xuất kết hợp - khép kín. 
Theo đó, nhận thấy lò hơi của Nhà máy Dầu thực vật Cái Lân trong quá trình hoạt động chưa chạy hết công suất, gây lãng phí không nhỏ chi phí và nguồn nguyên liệu đầu vào, đại diện của hai nhà máy Meizan và Nam Dương đã liên hệ, đề xuất phương án mua hơi từ Nhà máy Cái Lân về phục vụ sản xuất cho đơn vị của mình. Đề xuất này đã mở ra chương trình hợp tác hiếm có giữa ba nhà máy cùng hệ thống đường ống truyền hơi mới, nối trực tiếp từ lò hơi của công ty Dầu thực vật Cái Lân đến nhà máy Meizan và Nhà máy Nam Dương để phục vụ sản xuất, bước đầu mở ra hướng phát triển kết hợp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ nguồn hơi từ Nhà máy Dầu thực vật Cái Lân tới  hai nhà máy của công ty Meizan và công ty Nam Dương đã giúp 03 doanh nghiệp tiết kiệm không nhỏ chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động (Ảnh: nhandan.vn/)
Ông Cổ Đình Huy, Giám đốc Nhà máy - Công ty TNHH Meizan CLV cho biết, việc hợp tác, sử dụng chung lò hơi cho hoạt động sản xuất giữa 3 đơn vị đã giúp tiết kiệm 2/3 giá trị đầu tư và khấu hao máy móc. Đồng thời, từ việc sử dụng chung nồi hơi, nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc hợp tác, phát triển “cộng sinh” nên cả 3 công ty đã tiếp tục phối hợp, triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải dùng chung. 
Đối với môi trường chung của Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh), việc hợp tác xây dựng mô hình phát triển khép kín giữa 3 nhà máy đã trở thành tiền để để các đơn vị khác trong khu công nghiệp học tập và phát triển theo, chuyển đổi việc sản xuất theo các mô hình xanh, sạch, gắn chặt với mục tiêu kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Theo ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước: “Hiện có 24 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước trở thành khu công nghiệp sinh thái. Những doanh nghiệp đã ý thức: Sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng người lao động của họ.”
Tương tự với trường hợp của Khu công nghiệp Hiệp Phước, các doanh nghiệp sản xuất trong Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) thời gian qua cũng đã triển khai các giải pháp khắc phục, ngăn ngừa tình trạng thâm dụng tài nguyên trong hoạt động sản xuất; thay thế và sử dụng các trang thiết bị hiện đại, các công nghệ tiết kiệm điện, năng lượng, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Trần Tựu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm SaVi (Savipharm): “những năm qua, Savipharm đã đầu tư mới Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao, đồng thời đang trong quá trình đầu tư đổi mới toàn bộ trang thiết bị công nghệ tiên tiến của các nước G7 tại nhà máy sản xuất dược phẩm. Hoạt động sản xuất của công ty được định hướng theo mô hình “sản xuất xanh”, bao gồm những quy trình sản xuất khép kín, liên tục, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, năng lượng. Bên cạnh đó, ở đầu ra, công ty cũng sử dụng vật liệu bao bì đóng gói thân thiện với môi trường bao gồm giảm vật tư phế thải; thực hiện giải pháp xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải, khí thải) bảo vệ môi trường triệt để…”
Thách thức còn ở phía trước
“Sản xuất xanh” là xu thế toàn cầu trong các hoạt động sản xuất - dịch vụ nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và thiết thực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thực tế diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, sau hơn 30 năm, thành phố có ba khu chế xuất, 14 khu công nghiệp, hiệu quả về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay, một số khu chế xuất, khu công nghiệp đi được một nửa chặng đường trong thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước. Trong khi đó, thách thức phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng hiệu quả hơn.
Cùng chung quan điểm, ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước nhận định, vấn đề khiến cho các doanh nghiệp ít mặn mà với việc chuyển đổi mô hình sản xuất đến từ những vướng mắc trong cơ chế, chi phí chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất trong khi lợi ích thu được sau khi chuyển đổi lại không rõ ràng, chưa mang đến động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. 

Chuyển đổi mô hình sang sản xuất xanh, phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của Khu công nghiệp Hiệp Phước (Tp. Hồ Chí Minh) (Ảnh: hiepphuoc.com/)
Do đó, để nâng cao hiệu quả của việc sản xuất theo mô hình xanh, phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiến hành triển khai một số phương án, cơ chế mới, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó có thể kể tới việc thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái theo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó Thành phố cũng tiến hành việc xác định, tìm kiếm các quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp mới để xây dựng các khu công nghiệp hiện đại, phù hợp hơn với mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố. Điển hình là đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được xây dựng. Sau khi hoàn thành, đề án này sẽ là tiền đề để nhân rộng việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước. 
Sản xuất bền vững, phát triển môi trường sinh thái tại các khu công nghiệp được coi là chìa khóa cho phép xã hội, các doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường. Do vậy, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, cần có những giải pháp, bước đi cụ thể, tích cực để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Từ đó giúp xây dựng môi trường sản xuất lành mạnh, tạo ra sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, đảm bảo những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường thế giới.
Quang Ngọc