Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 03:14 GMT+7

Tin hoạt động

Phấn đấu giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan đến năm 2030

10/08/2022

Quá trình triển khai được phân chia thành mục tiêu cụ thể, với giai đoạn I vào năm 2025, lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. 
Ngày 5/8/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thay mặt Chính phủ ký phê duyệt Quyết định 942/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát  là thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.
Kế đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.
Để thực hiện thành công Kế hoạch, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với tinh thần và quan điểm chỉ đạo quyết liệt đến từng bộ, ban, ngành, địa phương. Trong đó, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi. 

Ảnh minh họa
Cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới nước và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng nông nghiệp để giảm phát thải khí metan. Bên cạnh đó, mở rộng mô hình luân canh lúa - tôm và chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí metan.
Chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi carbon trong sinh khối cây trồng thành carbon bền vững và năng lượng sạch, tăng tích lũy carbon trong đất nhằm giảm phát thải khí metan.

Ảnh minh họa
Đối với nhiệm vụ giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải và xử lý chất thải, cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; lồng ghép quy hoạch quản lý chất thải cấp vùng và cấp địa phương vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. 
Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định và phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.
Riêng việc giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác, chế biến dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cần tập trung xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai các hoạt động thu gom khí đồng hành từ các mỏ dầu trong quá trình khai thác, đặc biệt đối với các mỏ nhỏ, mỏ cận biên. 
Đầu tư lắp đặt các thiết bị phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục rò rỉ trong quá trình thăm dò, khai thác dầu khí; lắp đặt các thiết bị thu hồi khí đồng hành, khí mê-tan trong xử lý khí và lọc hóa dầu; nâng cấp và thay thế thiết bị cũ, lạc hậu trong khai thác, cung cấp, chế biến dầu khí để giảm phát thải khí mê-tan.
Quang Ngọc