Ngày 15 tháng 7 năm 2022, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022”. Hội nghị nhằm giúp các đơn vị nhận thức được tầm quan trọng cảu hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng nhau đẩy mạnh các hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ trung ương đến địa phương. Đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan cùng đại diện của Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXTDBV) tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Hội nghị nhằm giúp các đơn vị nhận thức được tầm quan trọng cuả hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng nhau đẩy mạnh các hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ trung ương đến địa phương.
Để thúc đẩy nền sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, ngày 01 tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình đã được Bộ Công Thương triển triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 thay thế Quyết định 76/QĐ-TTg với mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Để triển khai thực hiện, Chương trình đã xác định được 15 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái. Đồng thời, phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dung, mua sắm bền vững; Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; Tăng cường hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
"Bộ Công Thương đã hỗ trợ và hướng dẫn được 24 tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình Sản xuất và Tiêu dùng bền vững" - ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: "Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình và với nguồn kinh phí còn hạn chế nhưng kết quả thực hiện Chương trình hết sức đáng khích lệ. Cụ thể: Bộ Công Thương đã hỗ trợ và hướng dẫn được 24 tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; xây dựng các phóng sự và tổ chức các talk show phát định lỳ trên Đài truyền hình Trung ương về sản xuất và tiêu dùng bền vững; viết và đăng tải hàng trăm tin, bài viết chuyên sâu về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên trang thông tin của Bộ Công Thương, của Chương trình (www.scp.gov.vn) và trên các trang thông tin của các đơn vị báo chí trực thuộc Bộ; xây dựng và phát hành Bản tin sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Công Thương; xây dựng 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững (ngành thủy sản, điện tử, bao bì, khai thác khoáng sản và ngành bia); xây dựng được bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững; xây dựng được bộ bài giảng đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giảng viên, tuyên truyền viên của các tỉnh, thành phố; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì,.."
Báo cáo về kết quả hoạt động của Chương trình quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững toàn quốc năm 2021 - 2022, ông Lê Bá Việt Bách – Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện Chương trình thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó, đã hỗ trợ 02 tỉnh và xây dựng hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về SXTDBV 2021 – 2030; xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật về SXTDBV cho một số ngành (Chế biến thủy sản, bia rượu, bao bì…); xây dựng 08 số Tạp chí về SXTDBV; xây dựng phóng sự truyền thông về SXTDBV.
Ông Lê Bá Việt Bách nhấn mạnh trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sản xuất tiêu dùng bền vững. Hỗ trợ một số tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về SXTDBV 2021 – 2030; phối hợp với các địa phương triển khai Chương trình; xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật về SXTDBV cho một số ngành: da giày, chế biến chè; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành…
Ông Lê Bá Việt Bách – Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày về định hướng năm 2023 và các năm tiếp theo.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình, ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Trung tâm đã xây dựng chương trình truyền thông để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức, giới thiệu các mô hình sinh thái, các chuỗi cung ứng, các mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ đó, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
“Kết quả, 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 50% các doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Và 80% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố đã thực hiện cam kết giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy” - ông Đào Hồng Thái nhấn mạnh.
Hội nghị là cơ hội để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, một số sở một số sở, ban ngành địa phương và các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu được tham quan tìm hiểu về mô hình hiệu quả năng lượng trong hệ thống điều hòa không khí, giải pháp hiệu quả năng lượng trong chiếu sáng; giải pháp tiết kiệm nhiên liệu đốt công nghiệp…
Gian hàng Giải pháp tiết kiệm nhiên liệu đốt trong công nghiệp
Gian hàng giải pháp điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng
Giải pháp chiếu sáng thông minh của Rạng Đông
Gian hàng giới thiệu dịch vụ tư vấn triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng
Mai Anh