Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:47 GMT+7

Tin hoạt động

Liên minh các Ngân hàng thương mại xanh

10/06/2022

Năm ông lớn tài chính đã chính thức tham gia vào Liên minh các Ngân hàng thương mại xanh (Liên minh). Đây là sáng kiến của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trong nỗ lực “nắn” dòng vốn về các khoản đầu tư nhằm giải quyết vấn đề khí hậu và môi trường cấp bách tại các thị trường mới nổi. 

Các thành viên cốt lõi của Liên minh là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Bank of China (Hồng Kông), Citibank, Crédit Agricole Corporate and Investment Bank, HSBC Bank và Standard Chartered Bank. Tổng tài sản của các tổ chức này có giá trị lên tới 7.000 tỷ USD. 

Năm ông lớn tài chính cùng tham gia sáng kiến nhằm thúc đẩy các giải pháp tài chính thông minh hướng tới giải quyết vấn đề khí hậu và môi trường tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thông báo tại lễ ký kết thỏa thuận MOU, Liên minh sẽ thúc đẩy các giải pháp tài chính sáng tạo, đầu tư, dẫn dắt các thông lệ tài chính xanh góp phần giải quyết các rủi ro khí hậu và môi trường cấp bách tại các thị trường mới nổi. Năm 2020, phân nhóm khu vực châu Á của Liên minh đã được ra mắt bởi IFC cùng Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), thành viên sáng lập của phân nhóm và là thành viên khu vực đầu tiên của Liên minh.

Liên minh tập hợp các tổ chức nghiên cứu, định chế tài chính, và các nhà cung cấp công nghệ đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng một cộng đồng xanh ở các thị trường mới nổi, để cùng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các giải pháp kinh doanh cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Ba đối tác toàn cầu của Liên minh gồm: Quỹ carbon, Học viện các vấn đề công và môi trường, Chi cục Tài nguyên và môi trường (Học viện Tiêu chuẩn hóa quốc gia Trung Quốc), và Đại học Chicago, đã cam kết đóng góp chuyên môn trong tất cả các khía cạnh, từ đổi mới và tiêu chuẩn hóa đến các quan điểm học thuật.

Năm thành viên cốt lõi sẽ phối hợp chặt chẽ với IFC và Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) để vận động khách hàng thích ứng với các chiến lược xanh, thúc đẩy áp dụng thông lệ tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ xanh. Các này sẽ góp phần mở ra các cơ hội kinh doanh mới, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế. Đồng thời, Liên minh cũng sử dụng nguồn lực của mình để giúp các định chế tài chính trong quá trình chuyển đổi xanh với sự hỗ trợ của nhiều đối tác quan trọng.

Phát biểu tại Lễ ký kết MOU, ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IFC, cho biết dòng vốn đổ vào các tập đoàn và doanh nghiệp châu Á, cùng với việc nhân cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi xanh sẽ có tác động lớn tới quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai. Đồng quan điểm, ông Eddie Yue, Giám đốc điều hành HKMA nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cho các ngân hàng thương mại, định chế tài chính sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường tài chính xanh, cũng như nâng cao khả năng chống chịu rủi ro của khu vực châu Á.. 

Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi tạo ra nhiều phát thải khí nhà kính nhất trên thế giới. Việc giải phóng các tiềm năng đầu tư xanh tại nơi này có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của IFC, các thành phố của thị trường này có khả năng thu hút tới 18.000 tỷ USD đầu tư liên quan đến khí hậu vào năm 2030. Các lĩnh vực được dự báo tập trung thu hút vốn bao gồm: công trình xanh, năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông công cộng điện và giao thông công cộng. 

Cũng tại sự kiện, nghiên cứu “Rủi ro khí hậu: định nghĩa, đo lường, thông kệ hiện tại và giám sát của cơ quan quản lý” cũng được công bố. Tài liệu cung cấp tổng quan về các định nghĩa và đo lường rủi ro khí hậu, cũng như xem xét các thông lệ đang ngày càng phổ biến trong giải quyết rủi ro khí hậu, và nêu bật các sáng kiến luật pháp liên quan đến các vấn đề khí hậu.

Thanh Thanh