Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:54 GMT+7

Tin hoạt động

EOR 21 - Thời điểm hoàn hảo cho mục tiêu net-zero

10/06/2022

Đây là nhận định của các chuyên gia Đan Mạch tại Tọa đàm trước thềm Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR 21). Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng tóm lược một số nét chính của phiên bản EOR 21, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết net-zero vào năm 2050.   

Trước thềm Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam, các chuyên gia đến từ Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã có những trao đổi nhanh về những nét nổi bật của Báo cáo, và đưa ra một số nhận định để phát triển thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam trong thời gian tới. “Thời điểm đưa ra báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam là hoàn hảo vì Việt Nam đã đặt mục tiêu rất tham vọng để trở thành nền kinh tế có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Ulrik Eversbusch, Giám đốc Hợp tác Toàn cầu của Cục Năng lượng Đan Mạch, khẳng định. 

Theo ông Ulrik Eversbusch, từ cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam đã cùng làm việc để xác định con đường mà Việt Nam cần hướng tới để đạt mục tiêu này. Đây là cơ sở và cũng là điểm đặc biệt của EOR 21 so với các phiên bản trước: kịch bản net-zero. 

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR 21) được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA). Đây là lần thứ ba công bố báo cáo trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP). Hai phiên bản trước đó được công bố vào năm 2017 và 2019. 

EOR 21 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Báo cáo đưa ra các góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng đến 2050, cung cấp thông tin cho các hoạt động hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh. 

 

Từ trái qua: ông Loui Algren, Cố vấn năng lượng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, ông Ulrich Eversbusch, Giám đốc Hợp tác Toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch và ông Erik Kjær, Cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch.

Ba điểm đặc biệt của EOR 21

Điểm đặc biệt của EOR 21 so với các phiên bản trước đó là đã xem xét chi tiết các kịch bản phát triển ngành năng lượng. Đặc biệt trong đó bao gồm kịch bản đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ. EOR 21 nhấn mạnh vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời chỉ ra việc mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, và kiên trì thực hiện các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu đã đề ra tại COP26.

Một điểm bất ngờ được phát hiện từ báo cáo là Việt Nam có khả năng phát triển hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng không với chi phí chỉ tăng hơn khoảng 10% so với kịch bản thông thường. Ông Loui Algren, Cố vấn năng lượng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP), cho biết dựa theo kịch bản net-zero các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn, đáp ứng hơn 70% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2050. Trong đó, điện mặt trời và điện gió dự tính sẽ là các nguồn năng lượng tái tạo chính. 

Để đảm bảo hiệu quả hệ thống năng lượng, các chuyên gia nhận định vấn đề trước mắt là cần sớm tăng cường năng lực của lưới điện truyền tải. Theo các chuyên gia, dự kiến sẽ có thêm từ 8-12 GW công suất truyền tải liên vùng được đưa vào vận hành năm 2030 và 160 GW vào năm 2050. Mức này tương ứng 5-6 lần công suất truyền tải hiện tại. 

Công suất lưu trữ cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu net-zero. Tuy nhiên, ông Loui Algren cho biết, hệ thống lưu trữ chỉ thực sự cần thiết từ sau năm 2030 để đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí. 

Điểm đặc biệt nữa của EOR 21 là đã tính đến các tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Theo Cố vấn Chương trình DEPP, giao thông và năng lượng là hai lĩnh vực có khả năng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hiệu quả về chi phí. Báo cáo nhận định cả hai lĩnh vực trên có thể giảm thiểu ô nhiễm không khí mà không phải trả thêm chi phí, khi phí phát sinh với hệ thống năng lượng sẽ được bù đắp bằng mức giảm phí chăm sóc sức khỏe. 

Chuyên gia Ulrik Eversbusch, Giám đốc hợp tác toàn cầu DEA cũng đồng quan điểm. Đại diện DEA cho biết điện khí hóa ngành giao thông có nhiều tiềm năng lớn, không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Theo các kịch bản phân tích, chi phí cho nhiên liệu nhập khẩu có thể giảm đáng kể từ 53 tỷ USD (kịch bản cơ sở) xuống 42 tỷ USD (kịch bản net-zero) vào năm 2050 nếu thực hiện đúng cách. 

EOR 21 đã đưa ra thông điệp nổi bật: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi 

Điện gió ngoài khơi được dự báo có thể đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng khả quan về điện gió ngoài khơi, thậm chí “thuộc hàng tốt nhất châu Á”, theo nhận định của ông Erik Kjær, Cố vấn cao cấp DEA. Trong thiết kế Quy hoạch điện 8, Việt Nam dự kiến có khoảng 7-8 GW điện gió ngoài khơi. “Trong dài hạn, tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có thể lên tới 160 GW”, chuyên gia này cho biết. 

Để phát triển thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt nam, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần tập trung vào việc hoàn thiện các khung pháp lý để chia sẻ bớt rủi ro và nâng cao lòng tin đối với các nhà đầu tư. "Điều quan trọng là cần gây dựng được lòng tin từ các nhà đầu tư", ông nói. Theo kinh nghiệm từ Đan Mạch, thông thường phải mất từ 7-10 năm để một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn hoàn thành và nối lưới. Do đó, một môi trường đầu tư thuận lợi, ít biến động và quy trình chọn thầu công bằng là điều mà các nhà đầu tư hết sức quan tâm. 

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chứng nhận minh bạch cũng là yếu tố rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Điều này nhằm đảm bảo khi dòng vốn đổ vào năng lượng tái tạo nói chung và điện gió xa bờ nói riêng, nhà đầu tư sẽ có cơ sở để chứng minh với các tổ chức tín dụng và khách hàng về hiệu quả đầu tư xanh của họ. 

Chuyên gia Đan Mạch nhận định Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc hàng "tốt nhất châu Á".

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến quy hoạch không gian biển. “Chúng ta cần xác định khi nào và tại những vị trí nào thì các cơ sở điện gió ngoài khơi không tạo ra xung đột với các mục đích sử dụng không gian biểu khác”, ông Erik Kjær cho biết. Đồng tình với quan điểm này, ông Loui Algren cũng chia sẻ: “Đáy biển được sử dụng cho nhiều mục đích như khai thác khoáng sản, quân sự, đánh bắt hải sản… Do đó, cần đảm bảo các tác động tiềm ẩn nằm trong tầm kiểm soát”.

Chia sẻ từ những kinh nghiệm thực tiễn của Đan Mạch trong hơn ba thập kỷ phát triển điện gió xa bờ, các chuyên gia khẳng định không có sự ảnh hưởng đáng kể về môi trường cả trên bờ và mặt nước trong điều kiện các yếu tố môi trường đã được xem xét kỹ lưỡng. “Các dự án điện gió ngoài khơi, cả chân đế nổi và chân đế cố định, về cơ bản không gây tác động bất lợi cho môi trường biển. Thực tế, tại nhiều cơ sở điện gió xa bờ đã ghi nhận sự hình thành các rặng san hô mới.”, ông Erik Kjær cho biết. 

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc cần làm trước mắt là nâng cấp năng lực truyền tải của hệ thống, đặc biệt là năng lực truyền tải liên vùng. Theo kịch bản net-zero, công suất phát điện dự kiến bao gồm công suất lưu trữ đạt ít nhất 2.200 GW vào năm 2050, gấp 4 lần so với kịch bản cơ sở. 

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 thuộc serie ấn phẩm được công bố hai năm một lần trong khuôn khổ Chương trình hợp tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) bắt đầu từ năm 2013. Báo cáo là sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch.

Giang Nguyễn