ĐÒN BẨY CỦA DOANH NGHIỆP Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP I.D.P, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, cho biết, công nghệ là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp bên cạnh các yếu tố vốn, thị trường, nguồn nhân lực. Nếu như doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, nguồn nhân lực tốt, thị trường rộng mở nhưng công nghệ lạc hậu thì sẽ mất ưu thế khi cạnh tranh.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong thời kỳ hội nhập, một số doanh nghiệp của Phú Yên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung (thuộc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Đài Việt) là một điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã đưa ra thị trường nhiều nguyên liệu và sản phẩm trà dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP-WHO và nhiều sản phẩm dược liệu của trung tâm được xuất khẩu vào các thị trường Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan, Hungary.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung, cho biết: “Hàng năm, trung tâm luôn tiếp nhận nhiều công nghệ mới, tiên tiến cả trong và ngoài nước để phục vụ cho quá trình sản xuất, hướng đến bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà sản phẩm của trung tâm luôn tạo được sự khác biệt về phẩm chất và giá cả khi đưa ra thị trường. Hiện tại, trung tâm đã hoàn tất các thủ tục trình lên Sở KH-CN, Bộ KH-CN để được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN”.
Là doanh nghiệp KH-CN đầu tiên và duy nhất ở Phú Yên hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina luôn chú trọng nghiên cứu sản xuất các loại phân bón thế hệ mới theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Long Vina, cho biết, từ năm 2011, nhà máy sản xuất phân bón Agrilong tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp đã đưa dây chuyền sản xuất theo công nghệ tạo hạt bằng hơi nước, hoàn toàn tự động vào hoạt động cho ra sản phẩm chất lượng ổn định, không gây thất thoát nhiều đạm trong quá trình sấy. Công nghệ này còn có hệ thống xử lý các chất thải rắn, đảm bảo tỉ lệ hao hụt thấp và thân thiện với môi trường. Tiếp nối việc ứng dụng công nghệ mới, năm 2015-2016, Hoàng Long Vina tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ sản xuất phân NPK một hạt chất lượng cao bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao sử dụng cho một số cây trồng chủ lực. Ông Nguyễn Hồng Phong kỳ vọng, công nghệ mới này sẽ tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TỪ GỐC Ông Ngô Đa Thọ cho rằng, đổi mới công nghệ là việc thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất hoặc có thể nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường. Việc đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp phải tiến hành từ gốc và bằng sự nỗ lực, quyết tâm từ cả phía doanh nghiệp và nhà quản lý.
Cũng theo nhận định của ông Ngô Đa Thọ, mặt bằng công nghệ của các doanh nghiệp Phú Yên hiện nay thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dược, nước giải khát, mía đường có công nghệ ở mức khá, riêng ngành cơ khí chế tạo hầu như chưa có doanh nghiệp nào có năng lực sản xuất. Khó khăn hiện nay là phần nhiều doanh nghiệp lúng túng khi không định hướng được phải nghiên cứu, cải tiến và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào cho phù hợp. Mặt khác, quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp của tỉnh chưa thật sự sâu rộng vì đa phần, đổi mới công nghệ thường chỉ tập trung tại các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế, trong khi 100% doanh nghiệp của Phú Yên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính yếu.
Để tiến tới đổi mới công nghệ, ông Ngô Đa Thọ đại diện cho các doanh nghiệp Phú Yên đề xuất Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng quan tâm khảo sát, nắm bắt thực trạng việc doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức độ nào để qua đó có bức tranh toàn cảnh về các công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, sự tiêu hao năng lượng của những công nghệ này, năng suất mà các công nghệ mang lại, sản phẩm mà các công nghệ tạo ra… Từ đó, tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp đổi mới các công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu sản phẩm sai, lỗi, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Đa Thọ cho rằng, dự án khảo sát này sẽ giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn tổng thể từ gốc để đưa ra định hướng cũng như có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ. Đồng hành quá trình này, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý sẽ có vai trò như “bà đỡ”, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và hạn chế những rủi ro đầu tư trong quá trình đổi mới công nghệ bằng cách cung cấp những hỗ trợ, những ưu đãi thuế và các cơ chế khác nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích từ các hoạt động đổi mới của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đổi mới công nghệ cũng là một nội dung tất yếu trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, phải do chính doanh nghiệp lựa chọn và tiến hành. Khi có được cái nhìn tổng thể, các doanh nghiệp đang đứng ở đâu trên bản đồ công nghệ, mỗi doanh nghiệp cũng sẽ có định hướng để đầu tư đổi mới công nghệ vào các lĩnh vực trọng điểm, sản phẩm trọng điểm, từ đó giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trước tình trạng hệ thống máy móc thiết bị tại các doanh nghiệp Phú Yên đều khá lạc hậu, việc doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, tiếp cận công nghệ hiện đại cộng với sự quan tâm đúng mức từ các nhà quản lý… sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp Phú Yên có thể thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập và phát triển.