Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 16:48 GMT+7

Tin hoạt động

Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu

20/06/2016

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó Việt Nam được nhận định là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều thể chế chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường năng lực quốc gia thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành kinh tế.

Đồng hành với Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã có những hỗ trợ thiết thực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ đầu tư để tăng cường thể chế chính sách, nâng cao năng lực, đầu tư hạ tầng”

Cũng theo Bộ trưởng Ngọc Anh, năm 2015, thông qua tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Bộ KH&CN đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Danh danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam – VCIC”. Bộ KH&CN kỳ vọng rằng VCIC sẽ tạo ra một nền tảng dịch vụ ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp: hỗ trợ tài chính; đào tạo và tư vấn thiết kế ý tưởng công nghệ; xác lập mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm; cung cấp chuyên gia công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các phòng thí nghiệm để kiểm định, hiệu chuẩn công nghệ.

Trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá đối với hơn 300 ý tưởng dự án đăng ký tham gia Cuộc thi, Bộ KH&CN kết hợp với các chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới đã lựa chọn ra 19 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận được tài trợ trong đợt này.

Trong 19 doanh nghiệp nhận giải có nhiều dự án khá thiết thực gần gũi với đời sống. Chẳng hạn dự án “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động” nhằm tận dụng được phế phẩm của quá trình khai thác đá xây dựng; Dự án “Áp dụng công nghệ áp lực xử lý tre không chất thải vào quy trình sản xuất ván sàn, nội thất tre chất lượng cao” nhằm thay thế công đoạn ngâm tre truyền thống bằng công nghệ luộc nan tre bằng nước vôi bằng cách phơi nắng làm khô tre qua sử dụng lò sấy…

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ: “Đây là một cơ hội lớn để thể hiện tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ đối phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp này ở vị trí phù hợp nhất để có thể đưa ra giải pháp sáng tạo trong công việc chống biến đổi khí hậu vì hơn ai hết họ hiểu rõ khó khăn, thách thức cũng như tiềm lực của địa phương mình, từ đó đưa ra ý tưởng nhằm cải thiện nền kinh tế địa phương và tạo thêm công ăn việc làm”

Được biết, VCIC là một phần của Chương trình Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối 7 trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó Biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.