Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:55 GMT+7

Sản xuất bền vững

Cacao-trace: Giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu cacao bền vững

21/02/2022

Mô hình hợp tác sản xuất - tiêu thụ ca cao nguyên liệu theo hướng chia sẻ lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia trong thời gian gần đây hứa hẹn một giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu cacao bền vững. 
Cacao-trace là gì?
Cacao-trace là chứng nhận có thể truy xuất nguồn gốc dành cho những mô hình phát triển vùng nguyên liệu cacao chất lượng cao, bền vững. Hiểu một cách đơn giản, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm sô cô la của thuộc hệ thống cacao-trace sẽ biết được chất lượng hạt cacao và nguồn gốc của chúng đến tận nhà vườn. 
Bộ tiêu chuẩn của Cacao-trace. Nguồn ảnh: Puratos Grand-Place Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc không quá mới mẻ trong nhiều chuỗi cung ứng. Nhưng trong ngành sản xuất sô cô la, cacao-trace là chứng nhận duy nhất đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho chuỗi cung ứng toàn thế giới cho tới thời điểm này. Và nó bắt đầu tại Việt Nam. 
Từ năm 2013, các nông dân trồng cacao vùng đồng bằng sông Cửu Long cung ứng cacao nguyên liệu cho thương hiệu Puratos Grand-Place bắt đầu tham gia mô hình này. Đến nay, mô hình đã được mở rộng tại các quốc gia có những vùng nguyên liệu cacao lớn như: Bờ Biển Ngà, Papua New Guinea, Philippine, Việt Nam... Mới đây nhất, cacao-trace đã phát triển sang châu Mỹ Latinh với sự tham gia của hơn 400 nông dân tại Tabasco, vùng lõi nguyên liệu cacao của Mexico. 
Khởi nguồn ý tưởng
Ông Gricha Safarian, người khởi xướng mô hình Cacao-trace. Nguồn ảnh: Puratos Grand-Place Việt Nam.
Ý tưởng này xuất phát từ một doanh nhân người Bỉ tên là Gricha Safarian, Tổng giám đốc công ty Puratos Grand-Place Việt Nam. Ông Safarian đã có gần 30 năm gắn bó với ngành cacao Việt Nam. Lý do người đàn ông phương Bắc xa xôi gắn bó với đất nước nhỏ bé miền nhiệt đới, theo ông là vì đã lỡ "phải lòng với những con người sáng tạo, chăm chỉ nơi đây". 
Thêm vào đó, Việt Nam là nơi có điều kiện tuyệt vời để sản xuất những thanh sô cô la hảo hạng. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hạt cacao nước ta có hương trái cây và vị thanh rất đặc trưng, được các doanh nghiệp sản xuất cacao trên thế giới rất ưa chuộng. Trong danh sách các quốc gia có hạt cacao hương vị tốt nhất, Việt Nam xếp hạng 23 thế giới và thứ 2 tại châu Á là Indonesia. Tuy nhiên, tỷ lệ cacao hảo hạng được công nhận của Việt Nam, 40%, lại cao hơn đáng kể so với nước bạn, chỉ 1%. 
Chính ông Safarian đã công nhận sô cô la Việt Nam ngon hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hương vị những thanh sô cô la thì "ngọt ngào", nhưng người trồng nên chúng lại nhận thành quả "đắng chát". Nguyên nhân đến từ thiếu bền vững về chia sẻ lợi ích trong chuỗi cung ứng. Dẫn chứng từ Cocoa Barometer, những người nông dân chỉ được hưởng khoảng 6,6% giá trị của thanh sô cô la thành phẩm, trong khi ít nhất 60% thu nhập của họ lại phụ thuộc vào vườn cacao. 
Giá cacao nguyên liệu thường ở mức thấp và bị ảnh hưởng nhanh chóng bởi sự biến động của thị trường quốc tế, làm cho thu nhập người trồng cacao trở nên rất bấp bênh. Có những giai đoạn giá trái tươi chỉ khoảng 3.000đ/kg, hạt khô khoảng 54.000đ/kg (năm 2013). Những yếu tố này khiến nhiều người nông dân không còn mặn mà với cây cacao. 
Từ thực tế này, ông Safarian đã quyết tâm xây dựng một mô hình "đem lại lợi ích chia đều cho tất cả". Chương trình cacao-trace ra đời với triết lý đó. 
Lợi ích chia đều 
Với mỗi tấn hạt cacao nguyên liệu tốt nhất các đối tác (nông dân, đơn vị thu mua, lên men) sẽ được hỗ trợ 40% chi phí để sản xuất tốt hơn. Nguồn ảnh: Puratos Grand-Place Việt Nam.
Với khách hàng, họ sẽ nhận được những thanh sô cô la chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc thông qua thao tác đơn giản là quét mã QR trên bao bì sản phẩm. Với người nông dân, mỗi kg sô cô la chứng nhận cacao-trace bán ra, họ sẽ được nhận thêm khoảng thưởng (chocola bonus) là 10 cents, tương đương 2.300 đồng. Điều này có nghĩa là người trồng sẽ có thêm khoản tiền tương đương với tháng lương với 1 - 2 tháng thu nhập/năm. Ngay trong năm đầu tiên thử nghiệm, mô hình này đã trao hơn 136.000 đôla Mỹ cho 2.218 nông dân và nhà thu mua tại Việt Nam. 
Bác Lê Văn Yến (Bến Tre) là hộ nông dân đã tham gia cacao-trace. Bác chia sẻ trước đây nhà trồng trái cây khác nhưng không hiệu quả. "Tôi chuyển sang trồng cacao thì thấy năng suất cao, ít sâu bệnh, thu nhập tốt hơn", bác Yến cho biết. Hiện vườn nhà bác có khoảng 360 cây cacao, đem lại thu nhập cao hơn các loại cây như dừa, nhãn, bưởi...   
Một lợi điểm mà mô hình liên kết sản xuất theo chiều dọc này đem lại cho người trồng, các đối tác thu mua, lên men là được hỗ trợ 40% chi phí nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng. Cụ thể, doanh nghiệp trích ra 170 USD/tấn hỗ trợ các đối tác để khuyến khích họ sản xuất ra những hạt cacao nguyên liệu tốt nhất. 
Theo kinh nghiệm của anh Hồ Thanh Vân (Bến Tre), nếu áp dụng đúng quy trình không khó để tạo ra 3kg hạt khô/cây. Năm 2011, anh tham mô hình với 80/1000 cây cacao trong vườn (trồng xem với các loại trái khác), năng suất đạt 3,5 tấn trái tươi, tương đương hơn 291 kg hạt khô. Sau ba năm anh mở rộng lên 400 cây, năng suất tăng lần lượt 19 tấn và 24 tấn. Cũng giống như bác Yến, anh Vân cho hay cây cacao đem lại thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với các loại trái cây thông thường khác. 
Quan trọng hơn cả, đầu ra luôn được đảm bảo, thu nhập ổn định hơn so với việc trồng đơn lẻ và phụ thuộc vào thương lái mua trôi nổi như trước đây. 
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chế biến sô cô la bền vững. Nguồn ảnh: Puratos Grand-Place Việt Nam.
Ngành công nghiệp cacao Việt Nam trong những thập kỷ qua đã trải qua nhiều thăng trầm. Có những giai đoạn người nông dân đồng loạt bỏ cây cacao. Diện tích trồng cacao trong trong hai năm 2012-2013 giảm hơn một nửa từ 25.700 ha xuống còn 11.700 ha. Các doanh nghiệp chế biến cũng không mấy mặn mà với việc phát triển lĩnh vực được đánh giá rất tiềm năng này tại Việt Nam. 
Tuy nhiên những năm trở lại đây ngành cacao và chế biến sô cô la đã có những chuyển biến tích cực. Việc hình thành các mô hình liên kết sản xuất - chế biến theo cả chiều ngang và chiều dọc, như mô hình cacao-trace, cacao bền vững đạt chuẩn UTZ... giúp tái phân bổ lợi ích bền vững hơn cho mọi thành phần của chuỗi cung ứng. Từ đó giữ chân người nông dân với ngành cacao, tạo nguồn cung ổn định, bền vững. 
Sự tham gia sâu của các doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến có trách nhiệm cũng góp phần thúc đẩy sự bền vững của ngành. Đặc biệt, khi một số doanh nghiệp đã chú trọng hướng đến các thị trường xuất khẩu với phân khúc cao cấp và đã thành công như Marou, Puratos, đồng nghĩa với việc sô cô la Việt Nam bắt đầu được "điểm tên" trên bản đồ ngành thế giới. 
Giang Nguyễn