Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:17 GMT+7

Sản xuất bền vững

PVFCCo và một tương lai bền vững cho nông nghiệp Việt Nam

20/01/2022

Hai năm đại dịch COVID-19 đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá nguyên liệu nhiều ngành tăng cao. Nhiều nền kinh tế đình trệ và nhiều thị trường lớn khủng hoảng. Trong bức tranh ảm đạm chung, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) vẫn là một điểm sáng tăng trưởng bền vững. 
PVFCCo là thành viên thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN. PVFCCo không phải là đơn vị có thâm niên lâu nhất, nhưng sớm bắt nhịp với những bước chuyển mình của thị trường. Năm 2004, PVFCCo chính thức nhận bàn giao Nhà máy đạm Phú Mỹ từ Tập đoàn với nhiệm vụ đưa sản phẩm mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ ra thị trường. Ba năm sau đó, năm 2007, PVFCCo chuyển đổi thành Công ty Cổ phần và tiến hành niêm yết trên sàn HOSE. Đến nay, PVFCCo hoạt động theo mô hình Tổng công ty. 
Đây có thể nói là bước bứt phá, chứng minh năng lực mạnh mẽ, tư duy linh hoạt và tính thích ứng của một đơn vị chuyển mình từ mô hình doanh nghiệp nhà nước. Bằng chiến lược của PVN, cùng đường lối kinh doanh lấy sự phát triển bền vững làm kim chỉ nam, PVFCCo đã tạo ra những bước phát triển vững chắc trong những năm qua. 
Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: PVFCCo.
Vượt bão kép
Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí được thành lập từ năm 2003 (tiền thân là Công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí). Hoạt động chính của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh phân bón và hoá chất. Hoạt động kinh doanh phân bón của doanh nghiệp trải rộng khắp các vùng trên cả nước thông qua hệ thống tiêu thụ sản phẩm hình thành từ các công ty con tại Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh thị trường nội địa, công ty cũng cung ứng phân bón cho nhiều thị trường chủ yếu ở châu Á. 
Về hoá chất, khách hàng và thị trường chủ yếu của doanh nghiệp tập trung tại phía Nam và trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp. Theo báo cáo tài chính công bố gần nhất, tổng sản lượng sản xuất đại trên 756.000 tấn phân bón và hoá chất, trong đó NPK cán mốc 150.000 tấn. Kết quả này vượt 3-11% so với kế hoạch từng mặt hàng. Sản lượng kinh doanh đạt trên 900.000 tấn phân bón, hoá chất các loại. 
Kết quả này khẳng định những nỗ lực bền bỉ của PVFCCo trong giai đoạn vượt bão kép thời gian qua. Cơn bão thứ nhất là sự leo thang giá cả của những nguyên liệu đầu vào quan trọng, đặc biệt là amoniac, trên thị trường thế giới. Cơn bão tiếp theo là sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trên diện rộng, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguồn cung càng thêm khan hiếm. Chưa kể thời gian qua Nhà máy đã trải qua giai đoạn bảo dưỡng định kỳ, hoạt động sản xuất chuyển thành 3 tại chỗ... khiến nhiều chi phí nhân công, sản xuất cũng tăng theo.
Với kết quả kinh doanh tích cực, PVFCCo đã khẳng định vai trò đi đầu trong việc cung ứng dòng sản phẩm phân đạm, và tiếp theo là phân NPK, góp phần ổn định và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước. 
Vượt bão kép thành công, PVFCCo khẳng định vai trò đi đầu trong việc cung ứng các dòng sản phẩm phân bón, góp phần ổn định và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước. Ảnh: PVFCCo.
Đảm bảo các yếu tố môi trường
Trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp luôn chú trọng đến yếu tố môi trường, bền vững song song với nâng cao chất lượng sản phẩm. Để thực hiện tiêu chí này, đầu tiên PVFCCo luôn lựa chọn đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại cho sản xuất.
Năm 2010, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã thực hiện dự án thu hồi khí thải CO2 nhằm nâng công suất, tận dụng mọi nguồn phụ phẩm và đảm bảo các yếu tố môi trường. Dự án có tổng số kinh phí đầu tư trên 27 triệu USD, sử dụng công nghệ thu hồi CO2 của Nhật Bản. Hệ thống thu hồi khí thải CO2 không chỉ giảm lượng khí thải tương đương 800.000 tấn CO2/năm, mà còn cung cấp CO2 độ tinh khiết 99%, kết hợp với NH3 dư thừa của Nhà máy tổng hợp thành phân Urê.  
Bên cạnh đó, Nhà máy luôn kiên trì áp dụng các công cụ, chính sách nhằm đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, trong sản xuất duy trì áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; thực hiện đầy đủ giám sát môi trường định kỳ và báo cáo công tác bảo vệ môi trường về Tổng công ty; tiếp tục triển khai hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền tín hiệu về cơ quan quản lý; thực hiện theo dõi, chuyển giao và báo cáo chất thải nguy hại theo yêu cầu pháp luật...  
Năm 2020, Nhà máy đạm Phú Mỹ thiết lập Mục tiêu tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được triển khai. Kết quả, tiết kiệm được tương đương 19,9 tỷ đồng chi phí năng lượng; tiết kiệm đáng kể nhiên liệu khí CNG, NH3 và điện. Các mục tiêu tiết kiệm năng lượng và chi phí cũng được đặt ra cho tất cả các phòng/ban nhằm theo dõi, xem xét và đánh giá mức độ hoàn thành KPI. 
Kiên trì đổi mới, đặt mục tiêu chiếm lĩnh 20% thị phần NPK trong nước
Xác định đổi mới không ngừng là chìa khoá để giữ vững vị trí dẫn đầu, ban lãnh đạo công ty quyết định tiến hành mở rộng hoạt động sản xuất sang lĩnh vực NPK và nâng cao năng lực sản xuất NH3. Đầu năm 2018, sau hơn hai năm thực hiện, Tổ hợp NH3 mở rộng và NPK Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động. Dự án đã góp phần nâng công suất sản xuất NH3 của Nhà máy lên 540.000 tấn/năm, trước đó là 450.000 tấn/năm. 
Việc này có ý nghĩa lớn trong việc chủ động nguồn cung amoniac, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nhiều loại phân bón chứa nitơ như Urê, DAP, NPK... Đặc biệt trong bối cảnh giá amoniac leo thang trong những năm gần đây và khi COVID-19 ập tới, chuỗi cung ứng bị gián đoạn liên tục thì nguồn cung càng trở nên khan hiếm. Việc chủ động đi trước một bước là một quyết định khôn ngoan, cho thấy tầm nhìn xa của doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết phê duyệt của Đại hộ đồng cổ đông, Chiến lược phát triển của PVFCCo đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất phân bón, hoá chất công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến để đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới. Trong sản xuất, doanh nghiệp đặt mục tiêu cụ thể là nâng sản lượng sản xuất NPK Phú Mỹ lên 500.000 tấn/năm. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển các dự án cải tiến sản phẩm, sản xuất phân bón/hoá chất chuyên dụng trên nền sản phẩm chủ lực Urê và NPK. 
Giai đoạn đến năm 2030, công ty đặt mục tiêu sản xuất hoá chất chiếm vai trò chủ đạo, vượt lên lĩnh vực sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, nâng sản lượng sản xuất NPK Phú Mỹ lên 750.000 tấn/năm đồng thời cân đối nguồn nguyên liệu NH3. 
Với các mục tiêu này, PVFCCo có tham vọng chiếm lĩnh ít nhất 18-20% thị phần NPK trong nước theo thứ tự lần lượt đến năm 2030 và đến năm 2035. Đồng thời tiến đến mở rộng các thị trường ra Đông Bắc Á và Nam Á. 
Giang Nguyễn