Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:24 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nông nghiệp Việt, từ tư duy địa phương ra tư duy toàn cầu

21/12/2021

Nông nghiệp ngày càng hội nhập toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, phát thải thấp để đóng góp thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. 
Tầm nhìn đó cũng sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam giảm chi phí, sử dụng ít đầu vào và tài nguyên, tạo ra tích hợp đa giá trị, qua đó khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, vị thế của nhà cung ứng lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững. 
Trụ đỡ nông nghiệp 
Những năm đầu của thế kỷ 21 mang tính bước ngoặt cho hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam. Cuối những năm cuối 1980 - đầu 1990 với 60% dân số sống dưới mức đói nghèo, nhờ quyết sách Đổi mới, Việt Nam cơ bản đã thoát nghèo và đảm bảo cân đối về lương thực thực phẩm vào năm 2000. Tiếp theo đó, với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế, gia nhập WTO năm 2007 và 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hệ thống cung ứng, lưu thông hàng hóa, nông sản, thực phẩm ngày càng trở nên gắn bó với thị trường toàn cầu. 
Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm
Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một nước có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, tức là gần 10% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, và được xếp hạng là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Tính theo khối lượng, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu hàng đầu, và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê sau Brazil. Việt Nam cũng trong tốp đầu về xuất khẩu thủy sản, rau quả và sản phẩm gỗ toàn cầu. Khoảng một nửa tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu, mang về cho đất nước hơn 40 tỷ USD/năm trong những năm gần đây. 
Nông nghiệp, nông thôn đã trở thành trụ đỡ, là nền tảng vững chắc để bảo vệ đất nước mỗi lúc gặp khó khăn. Từ những khó khăn giai đoạn đầu Đổi mới cho đến khủng hoảng kinh tế Đông Á cuối những năm 1990, khủng hoảng tài chính thế giới những năm 2010 hay đại dịch Covid-19 hiện nay, an ninh lương thực luôn được đảm bảo, giảm bớt áp lực lạm phát, đóng góp ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế nhờ có xuất siêu nông lâm thủy sản luôn tăng.
Nông thôn là nơi "trở về" an toàn, đảm bảo sinh kế cho lao động nông thôn di cư ra thành phố. Hơn thế, nông nghiệp là phương tiện chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị Bản Việt, giữ gìn biên cương của tổ quốc. 
Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh 
Năng suất và sản lượng nông nghiệp trong 3 thập niên qua luôn tăng trưởng. Việt Nam đã trở thành hình mẫu của thế giới về tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt về nguồn cung lúa gạo trong nước. Đó là kết quả của định hướng theo mục tiêu tăng năng suất và sản lượng. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm và đi kèm theo đó là những lo ngại về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Việc tăng sản lượng nông nghiệp được tạo ra thông qua sử dụng nhiều hơn các nguồn tài nguyên, bao gồm các đầu vào vô cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nước. Do đó, lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp đã tăng lên, chiếm 18% tổng lượng phát thải của Việt Nam và dự kiến sẽ đạt trên 120 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Trong một kịch bản thông thường, một nửa số phát thải này sẽ đến từ sản xuất lúa gạo. 
Với diện tích canh tác bình quân thấp, nông nghiệp phổ biến ở quy mô nông hộ nhỏ. Tổ chức sản xuất thiếu gắn kết dẫn đến chi phí cao trong khi chất lượng và giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là căn nguyên của sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích và dễ đổ vỡ chuỗi cung ứng. 
Do hiệu quả kinh tế và thu nhập thấp, phần lớn lao động trẻ, có sức khỏe, sức sáng tạo và được đào tạo chuyển nhanh sang các ngành kinh tế khác. Hậu quả là, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi lực lượng lao động có trí tuệ, khả năng sáng tạo để duy trì động lực phát triển.
Khoảng một nửa tổng sản lượng nông nghiệp được xuất khẩu, mang về cho đất nước hơn 40 tỷ USD/năm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Có thể thấy, mọi động lực của tăng trưởng nông nghiệp đều đứng trước nguy cơ suy kiệt nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên sản lượng, khai thác tận kiệt tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, sử dụng nhiều hóa chất… Nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, với khát vọng lớn hơn, cách làm bài bản và bền vững hơn. 
Đại hội 13 của Đảng đã mở ra một hướng đi mới với mục tiêu chiến lược: "Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh". Nông nghiệp lại đứng trước cơ hội hóa giải mọi khó khăn thách thức, tạo ra bước chuyển ngoạn mục để trở thành một quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm "Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững", như tuyên bố của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh của LHQ hồi tháng 9. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Nông nghiệp không chỉ phục vụ 100 triệu dân, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người tiêu dùng yêu cầu nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. 
Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội. Và hơn thế nữa, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu
Ngoài kia, gió đang thổi! Ngoài kia, thế giới đang thay đổi! Xứ sở nào, đất nước nào cũng toan tính cho mình những kế hoạch để đi đến sự thịnh vượng. Ngọn gió của sự thay đổi sẽ là sức đẩy cho ai biết nắm bắt cơ hội, ngược lại sẽ là lực cản cho những ai cứ mãi lặng lẽ đứng bên lề. 
Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc hoặc bị động trong thế giới đầy biến động, mà theo đó cái giá phải trả cho việc đứng im sẽ là quá đắt. Nông thôn và nông dân cần chuyển mình cùng thời đại để nắm bắt cơ hội, hội nhập và phát triển cùng với cách mạng 4.0. 
Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu. 
Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh". 
Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay chỉ vì cường quốc về sản lượng lương thực. Là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc phát triển dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học. 
Là một quốc gia có bề dày lịch sử, giàu truyền thống và đa dạng văn hoá trong khu vực Đông Nam Á, các giá trị này được hàm chứa trong mọi sản phẩm và thực hành sản xuất trong hệ thống nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam. 
Với tư duy sáng tạo, các giá trị này có thể được tích hợp để nâng tầm giá trị nông nghiệp và nông sản Việt. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá trong nông nghiệp và thực phẩm. 
Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học và văn hoá sẽ là những bước đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội. 
Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, phát triển và kết nối đồng bộ hạ tầng đường thuỷ, đường sắt, đường bộ nội địa và liên quốc gia cùng với tăng cường năng lực quản trị và chuyển đổi số, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á, giảm thiểu những bất ổn của chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu trong trong tương lai.
Điều này góp phần kiểm soát mất cân bằng cung - cầu thị trường nông lâm thủy sản toàn cầu và những tác động trực tiếp đối với nông dân và người tiêu dùng trong nước, cũng như trong khu vực và trên toàn cầu. 
Nông nghiệp không thể cô đơn 
Để chuyển mình thay đổi, ngành nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. 
Cần phát huy vai trò chủ thể và huy động sự tham gia của người nông dân, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng. Theo đó, cần triển khai các giải pháp quyết liệt, táo bạo mang tầm chiến lược để nâng cao năng lực quản trị của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, thúc đẩy nông dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên gắn bó với sản xuất nông nghiệp.
Đảm bảo sự tiếp cận lâu dài và công bằng về tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai đối với mọi đối tượng nông dân, đặc biệt quan tâm đối với các đối tượng yếu thế như người nghèo, nông dân sản xuất nhỏ, người thiểu số, phụ nữ và thanh niên. 
Cần thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm và động lực nhằm tạo ra kinh tế nông thôn năng động, đội ngũ nông dân thực sự khỏe mạnh, tài ba, có trí tuệ, năng lực và chuyên nghiệp.
Cần huy động tham gia của khối tư nhân trong đầu tư có trách nhiệm, đầu tư xanh, phát triển và sáng tạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, vận hành hiệu quả mô hình và cơ chế hợp tác công - tư. 
Cần tạo lập một môi trường phát triển lành mạnh và hiệu quả thông qua đổi mới quản trị hệ thống và ứng dụng khoa học công nghệ, cấn thúc đẩy nghiên cứu phát triển trong nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, lấy đổi mới sáng tạo, đặc biệt chuyển đối số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp làm trọng tâm. 
Chuyển đối số sẽ đi cùng với chuyển đổi xanh gắn liền với quá trình đổi mới thể chế để phát triển hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững, hướng tới truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chuẩn hóa quy cách và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua và phân phối, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật. 
Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng. Hình thành các mạng lưới đổi mới, sáng tạo trong nước và xuyên biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học và rừng; quản lý nguồn nước xuyên biên giới; tài nguyên biển... 
Đổi mới quản trị hệ thống, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cùng với hội nhập quốc tế là cỗ xe tam mã đưa nông nghiệp Việt Nam từ một cường quốc về sản lượng lương thực đến một cường quốc về nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, một nhà cung ứng lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững. 
Đổi mới tư duy, cùng nhau hành động - Không gì là không thể! 
Lê Minh Hoan (Bộ trưởng NN&PTNT) - Carolyn Turk (Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam)
Bài đăng trên Vietnamnet