Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:48 GMT+7

Tin hoạt động

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh giúp tái định vị Việt Nam sau đại dịch

14/12/2021

Cuối tháng 11 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Trường ĐH Adelaide (Australia), ĐH Quốc gia Chengchi (Đài Loan-Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh".
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế nhận định dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng có trong tiền lệ trên phạm vi toàn cầu. Những hệ quả hiện hữu là sự gián đoạn sản xuất, thương mại và đầu tư, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang thể hiện rõ những ảnh hưởng tiêu cực lên mọi hoạt động của đời sống và kinh tế. 
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được nhận định là động lực góp phần tái định vị Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Nhìn nhận lại tình hình trong thời gian qua, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê cho rằng những điểm sáng nằm ở việc tác động của đại dịch đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu. Thông qua đó, thúc đẩy các quốc gia và doanh nghiệp tìm kiếm những phương thức mới để tiếp tục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối... Đại diện ĐH Kinh tế cũng cho rằng các hoạt động thương mại và đầu tư đang tích cực chuyển đổi theo hướng xanh hơn và số hóa mạnh mẽ, chủ động hơn. 
Cùng quan điểm, GS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam), cho rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ góp phần tái định vị Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Quang cảnh tại Hội thảo.
Đại diện Đại học Adelaide (Australia), GS. Peter Draper, Trưởng Khoa Kinh tế và Chính sách công, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, đánh giá cao sự thể hiện của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua. Theo GS. Peter Draper, để đáp ứng các tiêu chuẩn cho hàng hóa nhập khẩu vào EU, các doanh nghiệp Việt cần thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo các tiêu chí môi trường, giảm carbon. 
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đag có nhiều cơ hội để chứng minh và tạo sự khác biệt với các nền kinh tế sản xuất gia công khác, đáp ứng tiêu chuẩn mới của EU, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại.
Theo Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) bà Lê Thị Hà thì cần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về thương mại điện tử và kinh tế số mới có thể đảm bảo cân bằng cho sự phát triển vĩ mô cũng như hoàn thiện chính sách, thể chế trong phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân cũng có đóng góp quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Do đó đây là đối tượng cần đặt trọng tâm trong việc chuyển đổi nhận thức để tạo động lực phát triển chung.  
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách trong việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, cần xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến nền kinh tế xanh, bền vững và kỹ thuật số để đáp ứng tiêu chuẩn của EU; xây dựng và ban hành chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế số và xã hội số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cuối cùng xanh để đáp ứng các tiêu chí quan trọng như minh bạch, trách nhiệm với môi trường thành mô hình cạnh tranh, mở rộng các sáng kiến từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô đến hậu cần cuối cùng… Đồng thời cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ mà trong đó, nguyên liệu đầu vào phải xanh từ phân bón, linh kiện, phụ kiện...
Thanh Thanh