Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:02 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Có chính sách tốt, không khó để nâng cao tỷ lệ tái chế

02/11/2021

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, khi thực thi công cụ chính sách Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), ngành công nghiệp tái chế Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ, qua đó vừa giải quyết vấn nạn môi trường, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.
EPR được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán chất thải rắn ở Việt Nam.
Việt Nam đã hoàn toàn lột xác với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, đi cùng với những thành tựu đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là khủng hoảng trong quản lý chất thải rắn.
Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, hiện trạng rác thải ở Việt Nam đang đạt đến mức báo động nhưng lại không có một công cụ san sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải đối với doanh nghiệp và người dân mà chỉ chủ yếu dựa vào nguồn lực của Nhà nước.
“Doanh nghiệp và người tiêu dùng hầu như không có đóng góp gì nhưng tất cả đều kêu ca rằng môi trường bẩn quá”, ông Vượng nhận xét.
Trong bối cảnh đó, công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, đồng thời đang được xây dựng khung pháp lý cụ thể để hướng dẫn thực thi. EPR được kỳ vọng chính là cơ hội để quản lý hiệu quả chất thải rắn, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
EPR cũng mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế. Theo ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, công cụ EPR bắt buộc doanh nghiệp phải nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế, từ đó tạo ra nguồn kinh phí và thị trường phế liệu dồi dào, giúp các đơn vị tái chế ổn định sản xuất, giảm thiểu chi phí.
Đồng quan điểm với những lợi ích mà EPR đem lại, ông Vượng bổ sung thêm, sau khi thực thi EPR, dự báo sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực tái chế. Bên cạnh đó, một số lượng lớn nhà tái chế cũng sẽ chuyển sang sử dụng nguyên vật liệu thứ cấp trong nước để tiết giảm chi phí, do đó tỷ lệ tái chế sẽ được nâng cao lên rất nhanh.
Chính vì lý do này, đại diện Chi hội Nhựa tái sinh cho rằng mức tăng tỷ lệ tái chế “không quá 5% cho 3 năm” được dự thảo nghị định về EPR đưa ra là rất bất hợp lý, có khả năng tạo ra “nút thắt cổ chai”, kìm hãm ngành công nghiệp tái chế phát triển.
Ứng xử thế nào với làng nghề tái chế?
Với góc nhìn từ nhà quản lý, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhận xét, nhận thức của người dân và doanh nghiệp đối với vấn nạn ô nhiễm môi trường và chất thải rắn đang dần được nâng cao.
Thực tế, người tiêu dùng đang thành lập các hội nhóm “sống xanh”, chia sẻ những bí quyết tận dụng rác thải, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cũng bắt đầu áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh giảm thiểu ô nhiễm, thành lập các tổ chức, liên minh để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó có thể kể đến Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), được các chuyên gia nhận xét là hình thức ban đầu của một tổ chức thực thi EPR.
Trên cơ sở đó, công cụ chính sách EPR chắc chắn sẽ đóng vai trò đối với quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, vai trò này lớn đến đâu, hiệu quả bao nhiêu còn tùy thuộc vào cách quản lý và vận hành công cụ EPR.
Một trong những vấn đề cần phải lưu tâm khi vận hành EPR là lực lượng thu gom, tái chế rác thải phi chính thức. TS. Tùng cho biết, trong suốt nhiều năm qua, các cơ sở tái chế phi chính thức đang tận dụng công nghệ cũ, gây ra rất nhiều hệ lụy tới môi trường. Nếu không có phương án điều chỉnh hành vi này, doanh nghiệp sẽ mất đi động lực để thực thi EPR một cách nghiêm túc.
Cùng chung nhận định cần một cơ chế quản lý và điều chỉnh lực lượng thu gom tái chế, tuy nhiên, đại diện Chi hội Nhựa tái sinh nhận định không thể cấm các lực lượng này, mà nên tạo cơ hội để họ chuẩn hóa hoạt động.
Ông Vượng lý giải, lực lượng đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế thực chất trong suốt thời gian qua đã có đóng góp không nhỏ đối với hoạt động quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, bởi “nếu không có họ thì rác ngập đến cổ chứ không phải ngập đến chân như bây giờ”.
Mặt khác, khi áp dụng công cụ EPR, những lợi ích do cơ chế vận hành của EPR đem lại chắc chắn sẽ giúp ích rất lớn cho các làng tái chế. Đây là động lực quan trọng giúp lực lượng phi chính thức chuẩn hóa hoạt động.
Nguồn TheLeader 

Tags: