Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 02:27 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà tái chế

18/11/2021

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, công cụ tái chế, thu gom bắt buộc (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR) cần phải đủ để tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào thị trường tái chế.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh. Ảnh: VnExpress.
Công cụ chính sách EPR hiện tại đang trong quá trình xây dựng cơ chế thực thi. Cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra rất hưởng ứng công cụ chính sách này, với kỳ vọng tạo ra một sân chơi mới, ở đó phát triển bền vững, thực hiện nghĩa vụ bắt buộc với môi trường, cộng đồng là “luật chơi” chung.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng cơ chế thực thi EPR lại rơi vào đúng thời điểm tương đối nhạy cảm, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phải chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề trước tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị lùi thời hạn thực hiện EPR để có thời gian hồi phục sau cú sốc Covid-19, cũng như có thời gian để chuẩn bị những phương án, giải pháp để thực thi chính sách có hiệu quả.
Cụ thể, đối với ngành hàng bao bì, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đề nghị đặt năm 2023 là “năm F0”, với mục tiêu thu gom, tái chế thấp để doanh nghiệp “làm quen” với chính sách. Công cụ EPR chính thực được thực thi vào năm 2024. Đề xuất này đã được ghi nhận vào dự thảo nghị định hướng dẫn EPR.
Đối với một số ngành hàng như săm lốp, ô tô, xe máy, đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị lùi thời hạn thực thi EPR tới năm 2026 hoặc 2027.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét, tính toán lại mức tái chế, thu gom và mức phí đóng góp để thực hiện tái chế, thu gom bắt buộc theo hướng phù hợp, tránh đặt quá cao, tạo áp lực cho doanh nghiệp.
Bình luận về những đề xuất của doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho biết rất hiểu và đồng cảm với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, thời hạn thực thi EPR không thể lùi lại quá muộn, vì thực tế “Việt Nam đã muộn 16 năm” khi đưa ra từ năm 2005 nhưng không có cơ chế thực thi EPR. Đại diện ngành tái chế đồng tình với quan điểm của ngành hàng bao bì là đặt năm 2023 là năm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, bắt đầu áp dụng cơ chế bắt buộc từ năm 2024.
Đầu đẩy và đầu kéo cho kinh tế tuần hoàn
Dưới góc nhìn của một nhà tái chế, ông Vượng so sánh EPR như “đầu đẩy” của vòng tròn kinh tế tuần hoàn. Công cụ này sẽ tạo ra tác động lớn để doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác để thực thi có hiệu quả.
Đó là yếu tố “đầu kéo”, là những quy định khuyến khích phát triển thị trường tái chế, quy định về hàm lượng nguyên vật liệu tái chế được sử dụng trong sản phẩm, quy định về thiết kế sinh thái sao cho thuận lợi nhất đối với hoạt động tái chế.
“Làm tái chế sẽ hiểu một điều là tái chế rất khó, bởi thiết kế sản phẩm không thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thay đổi thiết kế sản phẩm sẽ tốn nhiều chi phí, nếu Nhà nước không quy định tất cả cùng thực hiện thì sao doanh nghiệp dám thực hiện một mình”, ông Vượng lý giải.
Như vậy, bên cạnh nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, đại diện ngành tái chế đề xuất cần tiếp tục có những thông tư quy định chi tiết về tỷ lệ sản phẩm tái chế, thiết kế sinh thá, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm.
Có cả yếu tố “đầu kéo” và “đầu đẩy”, tức là làm sao để hài hòa với lợi ích giữa doanh nghiệp với ngành công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn sẽ tự vận hành mà không cần nhiều sự can thiệp của chính sách.
Về vấn đề tỷ lệ tái chế, nhiều doanh nghiệp có ý kiến nên đặt ở mức thấp, sau đó nâng từ từ để doanh nghiệp kịp chuẩn bị và thích ứng. Với kiến nghị này, theo Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, tỷ lệ không nên quá cao ngay từ đầu nhưng phải đủ để tạo động lực cho ngành tái chế.
Ông Vượng ước tính, nếu quy định tỷ lệ tái chế 20%, lượng vật liệu thứ cấp tạo ra “không đủ để cho 2 nhà máy tái chế hoạt động. “Như vậy thì ai dám đi đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế”, ông Vượng đặt vấn đề.
Hiện tại, ngành công nghiệp tái chế cũng như cơ sở hạ tầng thu gom rác thải là điểm yếu của Việt Nam trong xây dựng kinh tế tuần hoàn, cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về việc đáp ứng tỷ lệ thu gom, tái chế.
Tuy nhiên, ông Vượng cũng như một số chuyên gia khác nhận định, đây càng là lý do để thúc đẩy việc thực thi EPR, bởi EPR chính là động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư vào thu gom và tái chế rác thải.
Nguồn TheLeader 

Tags: