Kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề ở Hà Nội trong những năm qua bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều hộ dân đã ý thức được sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường thông qua công tác quản lý nội vi và đầu tư chuyển đổi công nghệ.
Từ năm 2013, làng nghề gốm Bát Tràng và Gốm Kim Lan (huyện Gia Lâm) đã được Sở Công Thương Hà Nội chọn triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi sử dụng năng lượng đốt lò gốm từ nhiên liệu hóa thạch sang dùng lò gas. Đồng thời, tập huấn cho các hộ dân thực hành tốt 5S nhằm tạo môi trường sản xuất xanh, sạch, ít phát thải. Đến nay, khách đến tham quan và mua hàng tại hai làng nghề này đã cảm nhận được bầu không khí trong lành, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang do toàn bộ các hộ sản xuất gốm đã chuyển đổi công nghệ nung gốm từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch không phát thải (điện và gas).
Dây chuyền sản xuất đất cao lanh hiện đại giúp doanh nghiệp giảm phát tán bụi ra môi trường
Bên cạnh đó, sau khi chuyển đổi thành công lò nung không phát thải, nhận thức được những lợi ích mà công nghệ mang lại cho chất lượng sản phẩm, tạo môi trường sống xanh, sạch, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đưa máy móc hiện đại vào khâu làm đất nhằm giảm phát tán bụi ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình, Công ty TNHH CERAMICS Thanh Bình (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm), với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), năm 2020, doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền sản xuất đất cao lanh. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và đặc biệt là giảm phát thải bụi trong quá trình làm đất ra môi trường.
Ông Đào Việt Bình - Giám đốc Công ty TNHH CERAMICS Thanh Bình - cho biết, dây chuyền được đầu tư với số tiền 680 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công của Hà Nội hỗ trợ 300 triệu đồng. Sau khi hoàn thành đầu tư, dây chuyền đã cho kết quả tốt, năng suất lao động tăng lên, chi phí nhân công giảm, giảm lượng tiêu hao nguyên liệu đất, môi trường làm việc của người lao động sạch hơn. Từ năm 2012, thông qua dự án chuyển đổi lò nung gốm truyền thống bằng than sang lò nung gas do Sở Công Thương Hà Nội triển khai, lúc đó cơ sở sản xuất gốm Thanh Bình (nay là Công ty TNHH CERAMICS Thanh Bình) đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới công nghệ để hướng đến phát triển bền vững và đi tiên phong trong việc chuyển đổi năng lượng nhằm giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Việc đầu tư chuyển đổi lò nung gốm truyền thống đốt than sang lò nung gốm đốt gas hiện đại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cơ sở sản xuất gốm Thanh Bình khi đó. Công nghệ mới đã giúp giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia với lò thủ công thì con số này khá cao khoảng 20%. Đồng thời, môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện cũng như giảm được 20% lượng chất thải ra môi trường, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất đất cao lanh, chắc chắn, Công ty TNHH CERAMICS Thanh Bình sẽ hiện thực hóa được các ý tưởng sáng tạo về sản phẩm, chất lượng và năng suất được nâng cao, môi trường làm việc an toàn, ít phát thải, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. |
Theo: Báo Công Thương