Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:27 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ kinh nghiệm mô hình nhà máy xanh thích ứng tình hình mới

11/10/2021

Để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần thêm giải pháp hỗ trợ các nhà máy phục hồi sản xuất trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, ngày 6/10, Liên minh hỗ trợ công nghiệp (VISA) đã phối hợp với Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo giới thiệu mô hình nhà máy xanh” theo hình thức trực tuyến.

Ảnh hưởng nặng nề

Liên minh VISA cho biết, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư tại Việt Nam đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Số liệu của Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy, 8 tháng đầu năm có hơn 85 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ giải thể; chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn do vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn; cơ hội thu hút đầu tư nguồn vốn nước ngoài bị hạn chế...

Mặc dù Chính phủ, các địa phương đã có nhiều có cơ chế hỗ trợ giảm tiền điện nước, giãn, giảm nợ thuế, phí; đưa ra các giải pháp như 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất;...Tuy nhiên, việc duy trì các phương thức này cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp khi các chi phí tăng cao.

Chủ tịch Liên minh VISA cho rằng, dịch bệnh không thể chấm dứt hẳn, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã xác định phải sống chung với dịch, từng bước mở cửa lại nền kinh tế, phục hồi sản xuất, do vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình mới.

"Tôi tin rằng với tinh thần đoàn kết, kiên cường, doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này" - Chủ tịch VISA nhấn mạnh.

Mặc dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong tâm dịch đã thích ứng linh hoạt, xây dựng mô hình xanh để duy trì sản xuất và đã đạt được hiệu quả bằng các quy trình kiểm soát dịch bệnh cho từng công đoạn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, việc đưa hàng hoá từ bên ngoài đưa vào nhà máy được kiểm soát chặt chẽ vì đây là nguồn lây nhiễm cao. Mọi hoạt động được phép diễn ra tại nơi quy định dưới sự dám sát của bảo vệ cổng và chỉ được nhận sau khi kiểm tra khử khuẩn. Bên cạnh đó, trước mỗi giờ làm, các nhân viên đều được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày, nếu trường hợp nào có triệu chứng sẽ được cách xử lý ngay bằng việc cách ly theo dõi.

Bên cạnh đó, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, công ty đều cho nhân viên thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, khử khuẩn. Việc này không chỉ giúp hạn chế nguồn lây nhiễm Covid-19 mà còn những bệnh khác như sốt xuất huyết phát sinh do ăn ở tập trung đông. Ngoài ra, việc giữ vệ sinh trong ăn uống khi ở tập trung cũng rất quan trọng.

“Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, gần 3 tháng áp dụng các biện pháp chống dịch như 3 tại chỗ, hiện tại công ty vẫn đang kiểm soát và đảm bảo sản xuất tốt với 85% công nhân có thể đi làm được. Điều này hoàn toàn có thể giúp công ty chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh” – đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Ngoài ra, theo doanh nghiệp này cho biết, một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong việc áp dụng các mô hình phòng dịch điều quan trọng là mức độ quan tâm của người quản lý cấp cao rất cần thiết. Chính sự quan tâm của người lãnh đạo sẽ là nguồn động viên, cổ vũ người lao động yên tâm sản xuất, đồng thời, những ý kiến truyền đạt của các lãnh đạo cũng nhận được sự đồng lòng cao.

Các doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là những trường hợp đối tác bị ngưng sản xuất, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty. Đây cũng là tình hình chung, nhưng sắp tới, cần có những phương án điều chỉnh giãn cách phù hợp để tạo điều kiện cho nhân viên tự đi lại, đồng thời có phương án hạn chế rủi ro như xin cấp thuốc điều trị F0 tại nhà dự phòng và cần có hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

 

Hội thảo "Giới thiệu mô hình nhà máy xanh”.

Đẩy mạnh ứng dụng mô hình nhà máy xanh

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam – nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn của cả nước, mới đây Liên minh VISA đã thực hiện khảo sát hơn 150 nhà máy trong thời gian qua, và đưa ra đề xuất mang tên mô hình nhà máy xanh. Mô hình được lấy ý kiến về những khó khăn của các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất theo mô hình xanh.

Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch VISA cho biết, qua khảo sát nhiều nhà máy trong thời gian qua, liên minh đã xây dựng mô hình nhà máy xanh. Theo đó, để thực hiện các giải pháp xanh, các nhà máy cần đảm bảo các tiêu chí như thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch của nhà máy, xét nghiệm sàng lọc đầu vào cho người lao động, xây dựng giải pháp phòng chống dịch cho cá nhân. Nhà máy cũng cần xây dựng giải pháp phòng chống dịch theo phân tích rủi ro cho từng phân xưởng. Đồng thời tổ chức tầm soát xét nghiệm định kỳ cho người lao động tại nhà máy theo tiêu chí đánh giá rủi ro (đề xuất tầm soát định kỳ mức 10%).

Thứ hai, về lao động xanh, đối với lao động tại nhà và thành viên gia đình, người lao động cần cam kết tuân thủ phòng dịch tại nhà của người lao động với nhà máy. Cơ sở cam kết của cá nhân người lao động và gia đình người lao động là cơ sở quan trọng trong phòng chống dịch. Tuân thủ khai báo ý tế với nhà máy/ban quản lý khu công nghiệp trong thời gian làm việc tại nhà máy hoặc ở nhà với gia đình. Xây dựng biểu mẫu lao động xanh tại nhà.

Bên cạnh đó, nhà máy cần thẩm định tính khả thi của các giải pháp phòng chống dịch cá nhân tại nhà, tổ chức truyền thông liên tục để người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của viêc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cá nhân tại nhà. Ngoài ra, UBND, ban quản lý khu công nghiệp hỗ trợ tổ chức cơ sở dữ liệu toàn khu công nghiệp về hồ sơ sức khỏe người lao động, thanh viên gia đình phòng chống dịch, app khai báo y tế, hỗ trợ xét nghiệm theo mẫu gộp.

Trụ cột thứ ba của nhà máy xanh chính là tinh thần xanh, như việc tăng cường các hoạt động thể chất thể dục, văn nghệ, yoga, cầu lông cũng sẽ giúp người lao động thoải mái tinh thần phòng chống dịch. Và xa hơn nữa mô hình sản xuất xanh. Bởi việc thực hiện các mô hình sản xuất xanh từ một nhà máy xanh sẽ liên kết với khu công nghiệp xanh, thành phố xanh.

Theo nhận định của TS.BS CKII Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó Chủ tịch hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. HCM, hiện nay tình hình dịch đã có những chuyển biến tích cực, chính sách phòng chống dịch đã có những thay đổi như chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Do đó, để tăng cường chống dịch an toàn, chủ động, điều quan trọng là cần xây dựng chỉ số đánh giá để các nhà máy phấn đấu đạt được mức độ an toàn xanh.

Cụ thể bà Hà đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể nhằm xây dựng phòng chống dịch cho nhà máy và khu công nghiệp trong giai đoạn bình thường mới. Như đối với các nhà máy, xí nghiệp, cần chủ động phân luồng cách ly kịp thời. Từ thực hiện xét nghiệm ngay tại nhà máy, bóc tách F0 ngay từ đầu, kiểm soát ngay từ cổng vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động phải đảm bảo chích đủ 2 mũi vắc xin. Ngoài ra, doanh nghiệp cần những biện pháp tư vấn cho người lao động như thực hiện nghiêm túc 5K, vệ sinh môi trường ăn ở, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc…

“Các doanh nghiệp cần lập kế hoạch phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở nhà máy công nghiệp, xây dựng quy trình quy định về kiểm soát lây nhiễm, tập huấn về phòng và kiểm soát lây nhiễm, vệ sinh an toàn lao động, lập hồ sơ thei dõi và liên hệ khám sức khoẻ định kỳ, xử lý các tình huống liên quan đến sức khoẻ hoạc liên hệ với cơ sở y tế để chuyển người lao động khám và điều trị” – bà Hà khuyến nghị.

Trên cơ sở nhận định dịch bệnh còn có thể kéo dài và ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của doanh nghiệp, do đó, về lâu dài, Liên minh VISA kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, gói hỗ trợ/lãi vay, giảm các chi phí đầu vào, giảm thuế, phí...

Nguồn Báo Công Thương