Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:20 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thị trường thép cacbon thấp chuyển động ở phân khúc cao cấp

03/10/2021

Lô thép cacbon thấp đầu tiên đã được nhà sản xuất thép Ssab giao cho Tập đoàn xe hơi Thụy Điển Volvo vào cuối tháng tám vừa qua. Đây được coi là dấu mốc trong quá trình xanh hóa ngành thép và giảm phát thải chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô.
Động thái của các hãng ô tô danh tiếng đang khuyến khích sự chuyển động mạnh mẽ tại phân khúc thị trường thép cacbon thấp.  
Khởi xướng từ chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô
Theo hãng sản xuất SSAB, lô thép được sản xuất từ công nghệ “luyện gang bằng hydro”. Công nghệ được hình thành trong sự hợp tác giữa nhà sản xuất quặng Lkab và công ty năng lượng Vattenfall. Việc thương mại hóa thành công thép phát thải thấp được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình xanh hóa ngành thép và giảm phát thải chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô.
Được biết thép là một trong những ngành tạo ra phát thải khí nhà kính lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng 7% tổng lượng phát thải. Việc luyện thép yêu cầu tiêu thụ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn và tạo nhiều phát thải. Tuy nhiên, “xanh hóa” ngành thép lại là điều không dễ dàng bởi sẽ đội chi phí sản xuất lên rất cao. Theo ước tính, chi phí sẽ tăng khoảng 60% nếu thay thế than cốc bằng nhiên liệu hydrogen.
Việc các hãng ô tô, khách hàng cao cấp của ngành thép, chấp nhận mức chi phí cao để đổi lại các nguyên liệu bền vững sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch của ngành này ở mức độ nhất định. Theo ông Martin Lundstedt, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Volvo, việc xem xét và tăng tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu ít phát thải trong một chiếc xe mà hãng sản xuất nằm trong kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Các biện pháp khác đang được Tập đoàn áp dụng để sản xuất ra những chiếc xe sạch là chuyển đổi công nghệ để máy móc vận hành tạo ra ít phát thải nhất có thể.
Sự chuyển đổi mạnh của chuỗi cung ứng
Tìm kiếm các giải pháp sản xuất thép sạch cũng đang trở thành câu chuyện phổ biến của các công ty thép trong những năm gần đây. Khi nhu cầu chuyển đổi bền vững của chuỗi cung ứng tăng lên, các nhà sản xuất cũng phải tìm cách thay đổi để đáp ứng khách hàng.
SSAB cho biết việc thương mại hóa thép xanh toàn cầu là mục tiêu của nhà sản xuất này trong tương lai gần. Theo đó, SSAB cam kết cắt giảm 25% lượng phát thải vào năm 2025 và hoàn thành quá trình khử cacbon vào năm 2045.
Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc chuyển đổi công nghệ hiện hành bằng lò luyện hồ quang đồng thời với việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất. Dự kiến vào năm 2026, nhà sản xuất này sẽ cung cấp thép không hóa thạch Hybrit và sắt xốp cho thị trường Bắc Mỹ.
Ngoài việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu tái tạo, các phương án tăng khả năng tái chế thép cũng được xem xét. Daimler, chủ sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz danh tiếng cũng đang nghiên cứu phương án tăng lượng thép tái chế trong các khung xe của hãng. Việc này có thể giúp tạo ra ít phát thải cacbon hơn so với sử dụng thép mới khoảng 30%. Lý do là thép tái chế không yêu cầu nung chảy quặng sắt, quy trình vốn tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Trước đó hãng cũng đã mua cổ phần của H2 Green Steel, một nhà cung cấp thép sạch bằng nhiên liệu hydro cho ngành công nghiệp ô tô. Mục tiêu nhắm tới là xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên bằng thép sạch H2 Green Steel vào năm 2025.
An Nhiên