Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:42 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sóc Trăng xử lý môi trường nước ao nuôi thủy sản bằng chế phẩm sinh học

22/09/2021

Qua khảo sát ở nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản cho thấy bà con nông dân ít quan tâm đến việc bố trí ao lắng riêng biệt hoặc không được xử lý nước thải đúng cách trước khi đưa ra môi trường, dẫn đến tình trạng nước thải ở đầu nguồn cũng chính là nguồn nước cấp vào của các mô hình nuôi trồng thuỷ sản tiếp theo.

Thông qua việc thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng”, các cán bộ của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã sản xuất thành công 2 chế phẩm sinh học là Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox có chất lượng cao, góp phần kiểm soát môi trường nuôi thủy sản theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, việc thực hiện thành công dự án còn góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương về việc sử dụng chế phẩm sinh học cũng như ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Sản phẩm Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox. (Ảnh: https://sta.soctrang.gov.vn/)
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của KH&CN trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã tổ chức kết nối các đơn vị trong tỉnh để tiến hành nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ cho các hộ nuôi tôm, giúp người dân có được các sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và giá thành phù hợp. Theo đó, năm 2018 Trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trì dự án: “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môitrường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng”.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện (từ tháng 5/2018 đến 12/2020), dự án đã hoàn thành việc tiếp nhận và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 2 dòng chế phẩm sinh học phục vụ xử lý môi trường ao nuôi thủy sản. Để tiếp nhận công nghệ, Trung tâm đã cử 5 nhân viên đi đào tạo chuyên môn tại đơn vị chuyển giao là Viện Sinh học nhiệt đới và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, đơn vị chuyển giao cũng cử cán bộ kỹ thuật đến Trung tâm để chuyển giao quy trình công nghệ, hướng dẫn các nhân viên kỹ thuật vận hành và sản xuất thử các chế phẩm sinh học tại cơ sở sản xuất; đồng thời chuyển giao 12 nhóm chủng vi sinh, quy trình nuôi cấy, phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng và bảo quản chế phẩm vi sinh gồm: quy trình nhân giống cấp I, nhân giống cấp II, sản xuất pilot từ 100-1.000 lít/ mẻ.

Bên cạnh đó, dự án đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Sta.EM-Provà Sta.EM-Detox phục vụ nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nước ao nuôi, giúp giảm dịch bệnh và chi phí đầu tư. Ứng dụng thực tế cho thấy, sản phẩm có chất lượng cao, giúp cho vật nuôi khỏe mạnh mà không cần dùng đến hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và trình độ ứng dụng khoa học của người nông dân.

Sản phẩm đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II khảo nghiệm, đánh giá chất lượng và hiệu quả của sản phẩm ở quy mô phòng thí nghiệm và ngoài thực tế ao nuôi tôm: quy mô phòng thí nghiệm được thực hiện tại Phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II; quy mô ngoài thực tế ngoài ao nuôi tôm được thực hiện tại khu ao nuôi tôm của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú (ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Kết quả cho thấy, 2 sản phẩm Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox sử dụng ở nồng độ 0,5 ppm có hiệu quả tốt về cải thiện môi trường nước ao nuôi như: ổn định pH, giảm các khí độc ammonia và nitrite, kích thích tăng trưởng của tôm thẻ ở cả 2 độ mặn 5 ppt và 15 ppt. Sản phẩm Sta.EM-Pro vàSta.EM-Detox có tác dụng duy trì chất lượng nước ổn định như pH 7,2-8,2; ammonia tổng số từ 0-1,25 mg/l, nitrite từ 0-0,9 mg/l, hydrosulphua từ 0-0,031 mg/l, COD dao động từ 3,41-13,21 mg/l, chlorophyll-a từ 18,04-26,71 mg/l và khống chế Vibiro spp. ở mức an toàn <103cfu/ml. Qua quá trình sản xuất và khảo nghiệm, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện các hồ sơ thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm và đã được Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số lưu hành sản phẩm.

Việc các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng) nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm sinh học Sta.EM-Pro và Sta.EM-Detox đã góp phần quan trọng nhằm kiểm soát mầm bệnh, tạo ra các sản phẩm sạch, hướng tới một ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Hà Trần t/h