Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:17 GMT+7

Tin hoạt động

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam

20/09/2021

Một trong những yêu cầu quan trọng khi thực thi các hiệp định thương mại mới ký kết đối với ngành dệt may là nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để phát triển bền vững, giảm phát thải hóa chất độc hại và tăng giá trị cho xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ rõ, lượng hóa chất sử dụng trong doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng 500-2.000 kg/tấn sản phẩm và ngành Nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhất. Việt Nam có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng hầu hết dây chuyền đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị…
Do vậy, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm sử dụng năng lượng là giải pháp cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh. 
Các doanh nghiệp dệt may đầu tư  đổi mới công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đặt ra mục tiêu, đến năm 2023, doanh nghiệp dệt may đang và sẽ là thành viên của Uỷ ban Bền vững VITAS sẽ giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2022, có khoảng 03 nhãn hàng quốc tế tham gia Ủy ban Bảo vệ và cam kết các chỉ tiêu hiệu quả tài nguyên cho các nhà máy trong chuỗi cung ứng. Sẽ có 02 khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước vào năm 2023.
VITAS cũng cho biết, hiện đã có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia cùng ký cam kết chung để đạt được tầm nhìn và mục tiêu bền vững ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, Uỷ ban Bền vững thuộc VITAS với thành viên và đối tác đến từ nhiều tổ chức, nhãn hàng và doanh nghiệp dệt may đã đưa ra cam kết tầm nhìn và mục tiêu để cải thiện tính bền vững trong toàn ngành. Đây cũng là ý thức và trách nhiệm chung của ngành dệt may Việt Nam đóng góp vào việc cải thiện hệ sinh thái nguồn tài nguyên nước, khí hậu, môi trường trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo đó, ngành dệt may Việt Nam sẽ không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường; đầu tư công nghệ hiện đại, bắt kịp xu thế của ngành thời trang thế giới, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về lao động và môi trường theo tư vấn của các tổ chức đánh giá toàn cầu. Các dự án đầu tư đều được thiết kế theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và yêu cầu phát triển bền vững thân thiện với môi trường, giảm xả thải, tiêu thụ điện nước.
Mặt khác, thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ được thực hiện có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư dệt nhuộm với công nghệ hiện đại, kiểm soát tốt khâu xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường.
Khánh An t/h