Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:54 GMT+7

Tin hoạt động

ASOSAI ra Tuyên bố Hà Nội với thông điệp "vì sự phát triển bền vững"

07/09/2021

Tuyên bố Hà Nội ra với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai ra tuyên bố Hà Nội với thông điệp: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Đây có thể coi là văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
84 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện với chủ đề đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường. Nguồn ảnh: KTNN.
84 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện
Trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 3 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là chương trình hợp tác thử nghiệm quy mô lớn, hướng tới mục tiêu tiếp cận công bằng hơn với các hệ thống y tế quốc gia và ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, người nghèo...
Bên cạnh mục tiêu y tế bền vững, Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA) đã nỗ lực thúc đẩy các cuộc kiểm toán hợp tác và Đề án nghiên cứu. Nổi bật trong đó là kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước; và hai Đề án nghiên cứu về ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường và kiểm toán giảm nghèo, cải thiện môi trường sống vùng nông thôn.
Năm 2020, Nhóm triển khai hai cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong (do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì) và Kiểm toán giao thông bền vững; đồng thời bắt đầu Đề án nghiên cứu về chủ đề Kiểm toán tài chính xanh. Bên cạnh đó, nhiều dự án hợp tác khác của INTOSAI WGEA với chủ đề Vận tải bền vững, Chất thải nhựa và Tài chính xanh đã được tích cực triển khai. Các dự án này có sự tham gia của 9 SAI thành viên trong giai đoạn 2020-2011.
Tổng số có 84 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, với chủ đề đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường, như quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất.
Trong quá trình thực hiện các nỗ lực chung, công nghệ hiện đại được tích hợp và trở thành một công cụ hiệu quả giúp thực hiện kiểm tán môi trường. Các công nghệ này bao gồm định vị GIS và viễn thám ứng dụng trong đánh giá tác động hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám nghiên cứu hoạt động sử dụng đất; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…
Bên cạnh đó, còn có 35 cuộc kiểm toán SDGs được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tất cả các SAI thành viên thông báo đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao các hoạt động kiểm toán môi trường.
Giải quyết thách thức về môi trường
Việc theo đuổi các khuyến nghị trong Tuyên bố Hà Nội của ASOSAI và các SAI thành viên cho thấy sự nghiêm túc, chủ động ứng phó với những thách thức chung trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó có kiểm toán môi trường và kiểm toán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng được xác định là những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia khu vực châu Á và toàn cầu hiện nay.
Theo bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, các cuộc kiểm toán đã nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường, góp phần thực hiện SDGs ngày càng toàn diện. Từ đó giúp đưa ra các phát hiện và kiến nghị kiểm toán giá trị về mặt chuyên môn và quản lý chính sách. Điều này được thể hiện ở năm điểm dưới đây. 
Thứ nhất, kiểm toán giúp chính phủ áp dụng mạnh mẽ và kịp thời các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý trong khắc phục các vấn đề.
Thứ hai, thực hiện kiểm toán sẽ thiết lập cơ chế dài hạn, tạo điều kiện cho việc ban hành và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý và khung chính sách về vấn đề môi trường quốc gia.
Thứ ba, thông qua kiểm toán có thể đánh giá toàn diện mức độ phù hợp của các chương trình, dự án từ góc độ phát triển bền vững. Từ đó giúp lập kế hoạch chung về môi trường, mục tiêu các chương trình/dự án, các tiêu chuẩn, quy định và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường.
Thứ tư, SAI chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ thực hiện kiểm toán rời rạc, đơn lẻ sang tập trung kiểm toán tổng thể quy trình chính sách thông qua kiểm toán hoạt động, từ đó đánh giá được việc thực hiện mục tiêu chính sách mong muốn. Nhiều SAI hướng tới thực hiện kiểm toán “thời gian thực” giúp theo dõi tình hình thực hiện chính sách/chương trình và đưa ra các biện pháp cải thiện ngay trong quá trình thực hiện.
Thứ năm, các chương trình/dự án kiểm toán này đã tạo ra tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của các SAI thông qua việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức, áp dụng thực tiễn đồng thời hỗ trợ các SAI trong việc xây dựng năng lực chuyên môn và nâng cao năng lực tổ chức. 
Để thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam ông  Trần Sỹ Thanh cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác, tăng cường chia sẻ giữa các SAI và những bên liên quan. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về SDGs như xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động hay chương trình... Thời gian tới, ASOSAI sẽ có những hoạt động thúc đẩy hợp tác chia sẻ kiến thức thông qua tận dụng các nền tảng kỹ thuật số. Tất cả vì mục tiêu phát triển ASOSAI lớn mạnh, vì một châu Á xanh tươi và phát triển bền vững. 
Công Bình