Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:38 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Xu thế phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong tình hình mới

06/09/2021

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đang được quan tâm, đề cập nhiều hơn trong những năm gần đây. Bài viết này tập trung làm rõ một số vấn đề về nền kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong tình hình mới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn - yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới
Tổng quát về khái niệm
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được biết đến nhiều nhất trong nghiên cứu của Stahel và Ready (1976), theo đó, một nền kinh tế với vòng sản phẩm hoàn toàn khép kín, ưu tiên tái sử dụng, ưu tiên sửa chữa và tái sản xuất hàng hóa hơn là sản xuất hàng hóa mới sẽ có tác động tích cực trong tạo việc làm, cạnh tranh kinh tế, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) năm 2017 coi KTTH “là một cách để tạo ra giá trị và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng; nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu… qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần”.
Những quy trình chính của KTTH, theo Vasileios Rizos và cộng sự là: (i) Sử dụng tối thiểu nguồn lực chính thông qua tái chế, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, vật liệu và các nguồn năng lượng tái tạo; (ii) Duy trì những giá trị cao nhất của vật liệu và chính sản phẩm thông qua hoạt động tái sản xuất, tân trang và tái sử dụng các sản phẩm và linh kiện, tăng tuổi thọ sản phẩm; (iii) Thay đổi và chia sẻ mô hình tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ.
Hiện nay, có những quan điểm tương đối đồng thuận về KTTH, để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì KTTH chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể mang lại lợi nhuận như các mô hình tuyến tính, đồng thời vẫn cho phép người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tương tự.
Quan điểm và kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Tại châu Âu, để hiện thực KTTH, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia loại hình kinh tế này. Theo ước tính, tại châu Âu, KTTH có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ Euro mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển KTTH. Chính phủ Thụy Điển đã thay đổi nhận thức của người dân, DN song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học…
Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý KTTH của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.
Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy KTTH từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau-“đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Tại Hàn Quốc, quốc gia này đã ban hành Luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Hiện nay, ở Hàn Quốc có tới 95% chất thải thực phẩm được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng.
Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình KTTH sau một thời gian sử dụng lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc thông qua dự luật liên quan đến nền KTTH. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác KTTH. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 DN của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền KTTH về nhựa… Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển KTTH gồm: vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế).
Quan điểm, thực tiễn phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường (BVMT), sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã sớm chủ trương phát triển kinh tế đi đối với BVMT, hướng tới phát triển bền vững. Ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, Đảng ta đã chủ trương “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến độ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, BVMT”.
Gần đây, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác BVMT và phát triển KTTH”.
Quan điểm phát triển KTTH được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII “Kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn” và đề ra định hướng trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng coi “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” là một trong những giải pháp chiến lược trong 10 năm tới.
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Việt Nam đã có những chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển KTTH, bao gồm: Luật BVMT 2005, 2015, Luật Khoáng sản 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai 2013 và nhiều văn bản dưới luật. Dự thảo Luật BVMT sửa đổi năm 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về KTTH.
Cụ thể, ngoài phần giải thích thuật ngữ KTTH (Khoản 33, Điều 3), Dự thảo Luật dành riêng một điều về KTTH, trong đó khẳng định KTTH được thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hỗ trợ thúc đẩy KTTH.
Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, một số mô hình KTTH đã được ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Trong nông nghiệp, việc sử dụng các mô hình KTTH, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá phổ biến. Điển hình là mô hình vườn-ao-chuồng hay vườn-rừng-ao-chuồng đã được áp dụng từ những năm 1970- 1980 sau đó phát triển phổ biến với nhiều vật nuôi, cây trồng khác nhau, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi thức ăn và xử lý chất thải bằng Biogas.
Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mô hình KTTH cũng được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp. Cụ thể: Trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió. Năng lượng điện gió cũng rất có tiềm năng phát triển khi có hơn 8% diện tích được xếp hạng có tiềm năng gió tốt, có thể tạo ra 110GW điện, tập trung chủ yếu ở duyên hải miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.
Mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành sản xuất mía đường để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng... Mô hình các khu công nghiệp sinh thái mới ra đời gần đây ở một số địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề Việt Nam đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp trong nhiều năm như tái chế thép từ phế liệu, tái chế giấy vụn, tái chế đồ nhựa... vừa tạo ra sinh kế cho người dân, vừa góp phần giải quyết rác thải.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2017, dự báo ước tính tổng phát thải chất thải rắn (CTR) từ hoạt động xây dựng của Khu kinh tế trọng điểm miền Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng) năm 2020 sẽ vào khoảng 3.900 tấn/ngày và lên đến 6.420 tấn/ ngày vào năm 2030; tổng phát thải CTR từ các khu công nghiệp năm 2016 đạt khoảng 8,1 triệu tấn/năm; từ hoạt động khai thác than khoảng 4,6 tỷ m3/năm; từ hoạt động nông nghiệp, ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi; CTR y tế trung bình 100-140 tấn ngày.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, từ năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm. Điều này cho thấy, xu hướng phát triển KTTH cần được khuyến khích đẩy mạnh ở Việt Nam.
Cơ hội và thách thức đặt ra với phát triển kinh tế tuần hoàn
Trên phạm vi toàn cầu, các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH trên thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới, như Liên minh châu Âu (đi đầu là Hà Lan, Đức, Phần Lan và Đan Mạch), Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang chuyển đổi mạnh mẽ sang KTTH.
Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Có thể nói, thúc đẩy nhanh phát triển nền KTTH không chỉ giúp đạt mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Những cơ hội cho sự phát triển KTTH ở Việt Nam, thể hiện ở một số điểm sau đây: Thứ nhất, KTTH là xu hướng chung của toàn cầu, vì vậy Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước. Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “KTTH” góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thứ ba, việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển KTTH trong thời gian tới. Thứ tư, Việt Nam đã và đang hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện phát triển KTTH gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây. Thứ năm, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa sẽ giảm xuống khi phát triển KTTH. Thứ sáu, phát triển KTTH sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì cách thức phát triển này giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh những cơ hội, việc phát triển và triển khai KTTH tại Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức, đó là: Một là, nhận thức đúng về bản chất của KTTH được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng DN, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung là thách thức lớn. Hai là, KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Ba là, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển KTTH. Bốn là, nước ta chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển KTTH. Năm là, KTTH là đỉnh cao của cách tiếp cận hướng đến phát thải bằng không, đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện KTTH là thách thức lớn. Sáu là, để thực hiện KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải. Bảy là, KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Từ thực tiễn và lý luận trên, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển KTTH tại Việt Nam, thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Giải pháp chung
Thứ nhất, phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...
Thứ hai, phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển KTTH, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.
Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển KTTH, phù hợp với chủ trương của Đảng, xu thế mới, những quy định, tiêu chuẩn đã và đang hình thành trong khu vực và trên quy mô toàn cầu.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 làm động lực để phát triển KTTH.
Thứ năm, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển KTTH.
Giải pháp cụ thể
Một là, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển KTTH, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước.
Hai là, triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình KTTH, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến DN, người dân, các nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng.
Ba là, phát triển KTTH dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.
Bốn là, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích DN, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư, thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc KTTH, xác lập rõ vai trò của DN trong việc thực hiện phát triển KTTH.
Năm là, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Thứ sáu, thực hiện phát triển KTTH cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội.
Thứ bảy, phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế.
Một số kiến nghị
Về phía cơ quan quản lý: Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền KTTH. Để thực hiện tốt nội dung này, cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường...; Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần. Tập trung các nguồn lực (tài chính, công nghệ và nhân lực) cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH.
Về phía cộng đồng DN: Nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. DN cần chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất.
Về phía người dân: Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên; thay đổi phương thức canh tác, sản xuất trong nông nghiệp; thay đổi ý thức trong tiêu dùng các sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc tuyên truyền người dân thực hiện bảo vệ môi trường, đưa nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng xanh “không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai”.
Tóm lại, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH đang là xu thế chung của cộng đồng thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để thực hiện được định hướng này đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt DN là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Theo Tạp chí Tài chính