Vĩnh Phúc: Ngành ngân hàng Cải cách thủ tục hành chính để vốn vay đến với doanh nghiệp nhanh hơn
12/11/2014
Bớt thủ tục, bớt phiền hà
Trong bối cảnh yêu cầu cải cách thủ tục hành chính đang là khâu đột phá trong điều hành của Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc đã chủ động lên kế hoạch, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đồng loạt cải cách, đơn giản các thủ tục cung cấp các dịch vụ cho người dân; xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thông thoáng hơn trên cơ sở giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn tín dụng, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng.
Với mục tiêu trên, Ngân hàng Á Châu Vĩnh Phúc đã khắc phục mọi khó khăn và hiện đang thực hiện cho vay tiêu dùng tín chấp giải ngân chỉ trong vòng 48 giờ. Hay VPBank Vĩnh Phúc cho doanh nghiệp vay sản phẩm “Cho vay kinh doanh bảo đảm bằng bất động sản” với tỷ lệ cấp tín dụng trên mỗi tài sản đảm bảo lên tới 90% giá trị tài sản đó với thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định tối đa 48 giờ. Ngoài ra, Ngân hàng này còn có sản phẩm cho vay mua ô tô với thời gian giải quyết hồ sơ siêu tốc chỉ còn 8 giờ. Còn với sản phẩm "An Gia Phú Quý" của Techcombank, khách hàng có thể biết mình được vay bao nhiêu tiền ngay khi đến gặp cán bộ tín dụng mà không cần phải cung cấp tài sản đảm bảo và hồ sơ vay vốn…
Lãi suất cho vay giảm mạnh
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bắt đầu từ ngày 29/10/2014, lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 1 - 6 tháng tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ giảm từ 6% xuống 5,5%/ năm. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu đãi cũng giảm từ 8% xuống 7%/ năm; lãi suất thông thường sẽ giảm còn khoảng 10%/năm. Việc giảm lãi suất cho vay lần này được xem là điều kiện và cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cá nhân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng bởi nhu cầu cần vốn để sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm thường tăng cao.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc (Agribank Vĩnh Phúc) hiện đang thực hiện khá tốt chương trình cho vay theo 5 đối tượng ưu tiên theo Nghị định 41 của Chính phủ với tổng dư nợ khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài những ưu đãi như: Cho vay không cần thế chấp đối với hộ vay dưới 50 triệu đồng hoặc chủ trang trại, hợp tác xã vay dưới 200 triệu đồng; những khách hàng thuộc diện phải thế chấp tài sản sẽ được miễn lệ phí công chứng, chứng thực hồ sơ; những khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng nếu có dự án mới sẽ được khoanh nợ cũ để tiếp tục vay mới... Ngay trong sáng nay, Ngân hàng này đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7%/năm cố định trong 12 tháng, tùy theo nhu cầu vay vốn của khách hàng. Với những khoản vay thông thường đều áp dụng mức trên 10%/năm; những khoản vay cũ của khách hàng từ trước cũng sẽ được tính toán lại để áp dụng mức lãi suất mới theo quy định của Agribank, góp phần cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận vốn vay hợp lý cho các mục đích tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu thực hiện việc giảm trần lãi suất cho vay xuống 7%/năm, trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thông báo chương trình giảm lãi suất cho vay và áp dụng mức cho vay theo giá trần mới.
Vốn ngân hàng đi vào cuộc sống
Thực tế, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân vào những tháng cuối năm thường rất cao. Một bộ phận lớn người dân và doanh nghiệp vẫn trông chờ có được những gói tín dụng giá rẻ để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như phục vụ các nhu cầu tiêu dùng như: mua nhà, mua xe. Thế nên, sự ổn định của lãi suất cho vay VND; quy trình cải cách thủ tục vay vốn ngày càng nhanh, gọn cùng những chương trình ưu đãi hấp dẫn của ngân hàng như hiện nay sẽ là “thời điểm vàng” để khách hàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Nhiều khách hàng đang coi nguồn vốn rẻ như một động lực lớn để vượt khó trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Còn phía các ngân hàng thương mại cũng nhờ đó mà giải ngân nguồn vốn tốt hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay mới 212 doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ và lũy kế đến hết tháng 9/2014, cho trên 1.910 doanh nghiệp vay vốn, dư nợ khoảng 12,1 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013. Đến 30/9/2014, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2013. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển đạt 17.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt 73,37 tỷ đồng, tăng trên 308% so với cuối năm 2013. Dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ đạt 12.798 tỷ đồng, trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn 7.399 tỷ đồng; vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 4.764 tỷ đồng; vay xuất khẩu 133 tỷ đồng và vay công nghiệp phụ trợ đạt 500 tỷ đồng.
Nỗ lực đưa nguồn vốn vào cuộc sống của các ngân hàng đang được đánh giá là những bước đi tích cực trên thị trường. Hy vọng, trong bối cảnh ngành Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh như hiện nay, việc triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp các ngân hàng có thể vượt qua được những khăn trước mắt, từng bước đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, góp phần đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của thị trường tiền tệ, giữ bình ổn tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Mai Hương