Giữa bối cảnh nhiều nước đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa dịch Covid-19, giá dầu và giá hạt nhựa thế giới có dấu hiệu tăng mạnh từ cuối năm 2020 khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhựa ảnh hưởng theo.
Trong quý I, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên xấp xỉ 60 USD/thùng. Giá hạt nhựa cũng tăng từ 700 USD/tấn lên gần 1.300 USD/tấn, tương ứng mức tăng gần 50%.
Giá nguyên liệu tại Mỹ ở mức 1.200 USD/tấn cho HDPE và 1.230 - 1.240 USD/tấn cho LLDPE film, cả hai đều trên cơ sở CIF Đông Nam Á đã được ghi nhận trong quý I.
Hiện nay, ngành nhựa Việt Nam có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động và phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ bên ngoài.
Năm 2020, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Với nhu cầu hạt nhựa ngày càng tăng cao, cộng với giá cả tăng nhanh khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhựa có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2021.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Công ty cổ phần Nhựa Thuận Đức (TDP) cho biết, doanh nghiệp đã làm chủ được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ công nghệ tái sinh nhựa PP.
Công nghệ tái sinh nhựa PP của Thuận Đức có ưu điểm nổi bật là thông qua các công đoạn băm rửa, ra nhiệt, làm mát để tái chế bao PP (bao xi măng, bao jumbo…) đã qua sử dụng thành hạt nhựa PP, không sử dụng các hóa chất làm trắng, không chất tẩy rửa, sử dụng nước tuần hoàn không phát thải ra môi trường. Ứng dụng công nghệ nhựa tái sinh góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Việc làm chủ được công nghệ tái sinh nhựa PP đã giúp Thuận Đức giành được thế chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào và còn cung cấp cho một số doanh nghiệp khác trong nước.
Đây là một ưu thế rất lớn giúp Công ty ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, tăng doanh thu, lợi nhuận và tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao.
Cuối năm 2020, Thuận Đức đã chính thức cho ra thị trường dòng sản phẩm vải PP không dệt chất lượng cao, không chỉ làm bao bì, túi xách siêu thị mà còn làm nguyên liệu cho ngành sản xuất thiết bị y tế như quần áo và khẩu trang kháng khuẩn.
Ông Jurrian van Helden, đại diện thương mại một đối tác từ châu Âu của Thuận Đức đánh giá rất cao công nghệ này: “Họ thu gom bao bì phế liệu đưa vào tái chế để làm nguyên liệu sản xuất ra bao bì mới. Việc làm này góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Tôi yên tâm về chất lượng hàng hóa Thuận Đức, được kiểm tra 100% lô hàng trước khi đóng gói, sản phẩm đẹp, chất lượng thỏa mãn được yêu cầu của người tiêu dùng. Thuận Đức sẽ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của tôi cho các dự án về túi siêu thị”.
Năm 2021 được dự báo sẽ là cơ hội lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu như Thuận Đức khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, đặc biệt khi vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất rộng rãi.
Thuận Đức dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 22/4 tới. Theo đó, Hội đồng quản trị Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch sản xuất - kinh doanh hợp nhất năm 2021 với tổng doanh thu đạt 1.968 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 12%. Hội đồng quản trị cũng trình kế hoạch chia cổ tức 12% bằng cổ phiếu cho năm 2020.
Với nhu cầu thị trường tăng mạnh, Thuận Đức cũng dự kiến đầu tư Dự án nhà máy sản xuất bao bì và túi xách siêu thị xuất khẩu tại Thanh Hóa.
Theo Báo Đầu tư