"Ve chai công nghệ": ý tưởng kết nối chuỗi thu gom - tái chế nguyên vật liệu thân thiện môi trường
VECA, app công nghệ kết nối những người thu gom phế liệu nhỏ lẻ và các vựa thu mua tập trung vừa mới ra mắt tại Việt Nam.
App VECA trên chợ ứng dụng
Ý tưởng ban đầu của dự án là "Scrap Way" và "Kế hoạch nhỏ". "Kế hoạch nhỏ" xuất phát từ kỷ niệm thời 8X, khi trường lớp thường vận động học sinh quyên góp tập, sách, báo cũ... để gây quỹ. Còn cái tên "Scrap Way" nhấn mạnh đến việc phế liệu có thể tái chế, khác với rác không tái chế được. Nhưng cuối cùng cái tên VECA, rút tắt từ "ve chai", lại được chọn với tính phổ thông, gần gũi với mọi đối tượng của dự án gồm cả những người thu mua ve chai dạo.
Ứng dụng có 2 phiên bản dành cho người bán và người mua ve chai, đã ra mắt vào tháng 10/2020. VECA hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để "gọi" người thu gom đến mua.
Giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng sẽ do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Hiện tại, ứng dụng cũng không thu phí cả người bán lẫn người mua.
Theo phân tích từ dự án, việc mua bán phế liệu trong cộng đồng chủ yếu dựa vào "đội quân" ve chai. Để thực hiện mua bán, họ phải đi bộ hoặc đạp xe hàng chục cây số một ngày, nhưng kết quả lại rất bấp bênh. Trong khi đó, người bán có nhu cầu thường không thể chủ động mà phải đợi người mua đi qua. Trong nhiều trường hợp, họ có thể bị chèn ép giá dẫn đến tâm lý không muốn bán.
Từ thực tế này, VECA ra đời nhằm giúp người bán chủ động thời gian và nắm được biểu giá phế liệu cập nhật theo ngày rõ ràng, minh bạch. Người thu mua nhờ thuật toán của ứng dụng sẽ có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn. Ngoài ra, các vựa ve chai nhỏ trong nội thành có giải pháp quản lý, góp phần ổn định đầu vào và cả đầu ra.
Theo số liệu tổng hợp bởi VECA, chỉ riêng ở TP. HCM, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Trong đó, khối lượng giấy thu gom được chỉ chiếm 40%, tương đương 1.070 tấn. Nhựa chỉ thu gom được 500 tấn với tỉ lệ tái chế khoảng 27%. Số còn lại đang bị bỏ chung vào rác thải sinh hoạt của người dân.
Tạm tính, số phế liệu lẫn trong rác tương đương 10 tỷ đồng mỗi ngày. Con số này ước tính là 60 tỷ đồng với quy mô cả nước. Các báo cáo cho thấy rác thải nhựa có khuynh hướng tăng nhanh do tính tiện dụng và do cả tác động của Covid-19.
Mặt khác, mỗi năm ngành nhựa cần trung bình 2-2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 75-80%. Với ngành giấy, 70% sản lượng sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó, chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại là phải nhập khẩu. Từ đó cho thấy tái chế có cơ hội lớn nếu làm tốt vai trò giữa cung và cầu.
Đội ngũ sáng lập quyết giải bài toán bằng cách thuyết phục các vựa ve chai trước, để họ là trung gian tiếp cận "đội quân" thu mua ve chai. Họ chào mời giải pháp hỗ trợ quản lý thu mua, thay cho sổ ghi tay truyền thống.
"Trong thời gian đầu, tình nguyện viên VECA sẽ hỗ trợ người mua ve chai làm quen với cách làm mới. Chúng tôi tin rằng một khi hiểu được những lợi ích đạt được, việc 'lên đời' sẽ là khoản đầu tư hợp lý với họ. Nhất là hiện nay, giá của một smartphone cơ bản không còn quá cao", nhà đồng sáng lập Bùi Thế Bảo cho biết.
Hai đồng sáng lập Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang.
Theo đại diện Chương trình tăng tốc khởi nghiệp NINJA Accelerator, ông Lim Boon Chow, thì vấn đề mà VECA cố gắng giải quyết là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. "Phong trào mà VECA đang khởi xướng sẽ giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho quá trình sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Và đồng thời hình thành trong cộng đồng lối sinh hoạt và tư duy mới, hướng tới bảo vệ môi trường nhiều hơn", ông Lim Boon Chow nhận định.
Tháng 12/2020, VECA ký hợp tác liên kết với ví điện tử MOMO và đang tiến hành kết nối API để thanh toán không tiền mặt. Dự kiến, đến đầu quý II, ứng dụng sẽ chính thức giới thiệu tại TP. HCM. Hiện ứng dụng đã có trên chợ ứng dụng của Apple và Google.
Mục tiêu của đội ngũ sáng lập là xây dựng hệ thống thu gom phế liệu quy mô trên TP. HCM trong 1 năm và phát triển tại các thành phố lớn trong 3 năm.
Hải Yến