Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 13:34 GMT+7

Tin hoạt động

Đại học Bách khoa Hà Nội thúc đẩy nghiên cứu đa ngành về kinh tế tuần hoàn

04/02/2021

Hội nghị tổng kết dự án “Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy nghiên cứu đa ngành, nâng cao năng lực và khả năng lãnh đạo” đã diễn ra ngày 29/01/2021 tại Hà Nội. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Newton (Hội đồng Anh đại diện), hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Aston (Vương quốc Anh).

TS Bùi Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng phòng Hợp tác đối ngoại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Kim Chi)
Tại hội nghị TS. Bùi Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng phòng Hợp tác đối ngoại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và tăng trưởng bền vững bị hạn chế bởi suy thoái môi trường, chất thải chưa được xử lý đúng quy cách, cạn kiệt dần tài nguyên thiên nhiên và lượng khí thải carbon tăng cao. Kinh tế tuần hoàn có thể là giải pháp bền vững cho một phần những thách thức này gây ra bởi mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống.” ​
Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp (tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ), sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam thông qua tái thiết kế quy trình kinh doanh, chuyển đổi tổ chức, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu... 
Các hoạt động dự án đã thực hiện được bao gồm: Đánh giá nhu cầu, năng lực và xác định những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng của các đối tượng thụ hưởng; xây dựng cấu trúc và hoạt động của Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cung cấp các hội thảo đào tạo về xây dựng năng lực áp dụng và triển khai Kinh tế tuần hoàn; xây dựng một số học phần điện tử về sáng kiến Kinh tế tuần hoàn trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời, phát triển Hệ thống DSS tự động trên nền tảng web nhằm hỗ trợ cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc ra quyết định, tăng cường sự hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu.
Từ những kết quả đạt được, dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp các sáng kiến và các công cụ hữu ích cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và cho các chiến lược của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Với vai trò là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học môi trường, năm 2020, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo lập một Trung tâm Virtual về Kinh tế tuần hoàn tại trường. 
Việc xây dựng trung tâm nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao tri thức và triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua đào tạo các doanh nghiệp (95% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ), các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở giáo dục đại học… Đồng thời, thực hiện nghiên cứu để tăng cường sự hợp tác giữa tất cả các bên thụ hưởng, và để xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế tuần hoàn.
Kết luận tại hội nghị, TS. Bùi Thị Ngọc Thủy khẳng định: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xác định giải quyết các thách thức về môi trường là một trong những trọng tâm nghiên cứu của Trường giai đoạn 2020 - 2025.” 
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra seminar chuyên đề về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra những so sánh, tác động vòng đời một số sản phẩm thay thế và tiếp cận Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và ngành nhựa.
Hoàng Linh t/h