Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:48 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

SABIC: giải pháp bao bì hướng đến kinh tế tuần hoàn

06/01/2021

Trong bối cảnh dân số thế giới phát triển kèm theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng, số lượng bao bì đóng gói và rác từ bao bì cũng tăng theo. Tại Việt Nam, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người đã tăng với tốc độ 10% so với năm trước đó, đạt đến 41,3kg năm 2018. Trong tổng số 1,8 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, chỉ có 27% được tái chế, và phần còn lại bị thải ra môi trường.
Cùng với Covid-19, vấn đề rác thải nhựa vốn đã đau đầu càng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo khảo sát của Nielsen Vietnam, 50% người Việt giảm hẳn tần suất đi mua sắm tại các cửa hàng truyền thống nhưng 45% người tiêu dùng bổ sung thêm kho dự trữ thức ăn tại nhà, đồng nghĩa sử dụng bao bì đóng gói nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, SABIC đã và đang tích cực hợp tác với khách hàng và đối tác để phát triển một nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa, ở đó các sản phẩm và vật liệu không còn là rác nữa mà sẽ được sử dụng để tạo ra các loại vật liệu nguyên sinh và có giá trị.
Năm 2019, SABIC đã ra mắt dòng nguyên liệu TRUCIRCLE cùng các công việc hỗ trợ đi kèm nhằm hướng tới mục tiêu trên. Theo ông Janardhanan Ramanujalu - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Khu vực, SABIC Nam Á, Úc và New Zealand - chuỗi giải pháp tuần hoàn TRUCIRCLE™ chính là các loại hạt nhựa tuần hoàn nguyên sinh có chứng chỉ công nhận nhờ công nghệ tiên tiến cho phép tái sinh các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng hoặc loại sản phẩm nhựa đã tái chế theo dạng cơ học; và các loại nhựa đươc cấp chứng chỉ công nhận sản xuất từ nguồn nguyên liệu gốc sinh học có khả năng tái tạo.
Giải pháp của SABIC được ứng dụng làm bao bì đựng trà của một thương hiệu nổi tiếng của Anh Quốc.
“Điểm then chốt là các doanh nghiệp chế biến gia công phải cam kết thực hiện việc sản xuất theo các giải pháp bền vững cũng như thiết kế các sản phẩm có khả năng tái chế được. Sự thay đổi cần được diễn ra trên toàn chuỗi, bắt đầu từ các bên sản xuất và các nhà cung cấp nguyên liệu cho đến người tiêu dùng,” ông Janardhanan Ramanujalu cho hay.
Được biết, SABIC là công ty hóa dầu đầu tiên trên thế giới khởi động dự án mở rộng quy mô sản xuất hạt nhựa tuần hoàn có chứng chỉ từ quá trình tái sinh nhựa tiên tiến. Trước đây, gần như không thể tái chế nhựa đã qua sử dụng trở thành loại nhựa gần giống với nhựa nguyên sinh. 
Hạt nhựa được tái tạo nhờ quá trình tái chế tiên tiến này có thể phù hợp với các ứng dụng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt cao như bao gói dùng cho thực phẩm hay các loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Các loại nhựa Ploymer tuần hoàn có chứng chỉ trong danh sách các loại nhựa TRUCIRCLE™ đã được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng về bao bì, ví dụ hộp đựng kem Magnum của Unilever, bao bì đóng gói phô mai Bradbury's của đại tập đoàn bán lẻ Tesco, viên nang trà hữu cơ cao cấp của Avoury và tuýp đựng mặt nạ dưỡng da thương hiệu toàn cầu Origins của Công ty Estee Lauder.
Bên cạnh đó, SABIC đã nghiên cứu các giải pháp bao bì tân tiến đề cao tính bền vững để tăng tuổi thọ của thực phẩm tươi và thực phẩm đã chế biến. Mới đây, công ty đã hợp tác cùng Linh Khang, đơn vị cung cấp giải pháp đóng gói cho trái cây tươi, phát triển một loại màng nhựa đa lớp có đặc tính chống đâm thủng cao để bao gói chuối tươi, giữ sản phẩm không bị ẩm và giảm được rung sốc trong quá trình vận chuyển.
Một giải pháp khác của SABIC chính là sử dụng túi tự đứng làm từ vật liệu đơn (duy nhất một loại nguyên liệu) cho phép tăng tính ổn định của chất lượng mối dán bao bì, giảm thiểu rò rỉ, tăng thời hạn sử dụng của thực phẩm và đồ uống bên trong. Hơn nữa, loại túi này còn cho phép dễ dàng tái chế, trọng lượng của túi lại nhỏ hơn so với bao bì bằng thủy tinh hay giấy gói truyền thống làm giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển.
Cùng với Công ty TNHH Bao bì Tấn Phong, SABIC nghiên cứu thành công túi nhựa đa lớp chứa nước ngọt cho phép người dân trữ nước để tưới tiêu và phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Theo đại diện của Công ty Tấn Phong, loại túi chứa nước này có chi phí sản xuất thấp, dễ vận chuyển, trọng lượng nhẹ và có thể cuộn túi lại để cất kho đến mùa khô năm sau. Đây là một giải pháp bền vững, giúp bà con nông dân vượt qua các tình huống khô hạn hoặc xâm nhập mặn kéo dài.
Những sáng kiến như vậy đã giúp SABIC nâng cao nhận thức về nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết mối lo liên quan đến rác thải nhựa và biến đổi khí hậu. “Chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn từ những tổ chức có chung chí hướng, cùng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn vì tương lai tốt đẹp của nhân loại và hành tinh này. Sắp tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác hơn nữa với nhiều tổ chức ở châu Á cũng như trên toàn cầu, để cùng nhau tạo ra sự chuyển biến tích cực”, ông Ramanujalu cho biết.
Tấn Thành t/h