Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:46 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Sản phẩm nhà máy giấy: Ứng dụng hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn

11/12/2020

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ô nhiễm môi trường, vấn nạn từ rác thải nhựa..., giấy đang được xem như một nguyên liệu thay thế ưu việt, có nhiều khả năng tái chế để ứng dụng phát triển trong nền kinh tế tuần hoàn.  
Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và tiến tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Nhà giấy sử dụng giấy tái chế
Theo tiến sĩ Đặng Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô, ngành giấy rất gần với kinh tế tuần hoàn bởi việc quản lý và tái tạo tài nguyên của ngành có thể thực hiện theo một vòng khép kín, ít tạo ra phế thải. Hiện nay, có 2 loại nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất giấy là bột giấy và giấy thu hồi, hay còn gọi là “giấy tái chế” - giấy sau khi sử dụng được thu hồi, tái chế, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình như giấy vệ sinh. Thông thường, trong quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất, trải qua nhiều khâu, tiêu hao nhiều nguyên liệu; tái chế giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Theo một nghiên cứu gần đây, có đến 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường, mang thương hiệu “xanh” và “sạch”.
Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp, ngành bao bì của Tập đoàn SCG đã ra mắt dòng sản phẩm tiêu dùng đầu tiên được làm từ giấy tái chế - Nhà giấy Doozy Paper Playhouse tại thị trường Việt Nam. Ông Ekarach Sinnarong - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Tân Á - cho biết, doanh nghiệp (DN) tiên phong trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất các sản phẩm tiên tiến, không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên DN cho ra mắt một sản phẩm sáng tạo dành cho người tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu giấy tái chế để đáp ứng phong cách sống bền vững đang là xu hướng hiện nay.
Nhà giấy Doozypack Paper Playhouse là một trong những sản phẩm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, sau khi sử dụng, sản phẩm có thể được thu gom và tái chế thành vật liệu giấy. Các vật liệu này sau đó được sử dụng để sản xuất sản phẩm tiêu dùng mới ở chu kỳ tiếp theo. Đặc biệt, sản phẩm nhà giấy được thiết kế nhằm mang đến một “sân chơi” trong nhà an toàn và thú vị cho trẻ con từ 3- 8 tuổi. Với kích thước lớn, mô phỏng thực tế và họa tiết hoạt hình in sẵn sống động để bé thỏa sức tô vẽ những màu sắc yêu thích, đây sẽ là một món đồ chơi giúp khơi dậy sự sáng tạo và kích thích sự tò mò nơi trẻ nhỏ. Đặc biệt hơn, ngôi nhà giấy này còn mang đến một hoạt động vui chơi trong nhà lành mạnh, hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ, xua tan phần nào nỗi lo âu của các bậc phụ huynh trong mùa dịch khi con mình vừa tìm thấy niềm vui ngay tại nhà, vừa giữ được an toàn.
Đánh giá của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, để tận dụng được cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn, ngành giấy cần nâng cao nhận thức, có ứng xử đúng với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi của các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu là thu hồi, coi như nguyên liệu với các chính sách khai thác, sử dụng phù hợp. Việt Nam cũng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giấy thu hồi nguyên liệu thứ cấp, hoạt động thu gom và tái chế giấy, làm cơ sở hiện đại hóa ngành giấy theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể, ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, khuyến khích thu gom, tái chế… như phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, coi giấy thu hồi như loại hàng hóa thông thường...
Theo tính toán của các chuyên gia, việc tái chế 1 tấn giấy có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000 kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất (để chôn lấp); đồng thời giảm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới); 35% nguy cơ ô nhiễm môi trường; 74% ô nhiễm không khí…
Theo: Kinh tế Việt Nam