Bắc Giang: Làng nghề Mỳ Chũ đổi mới tư duy, duy trì sản xuất sạch
03/11/2014
Gần nửa thế kỷ trôi qua, người dân làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn – Bắc Giang) luôn chăm chút, gìn giữ thương hiệu mỳ Chũ, có được điều đó là nhờ người dân nơi đây luôn tuân thủ những quy tắc ngặt nghèo trong quy trình sản xuất, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thay đổi nhận thức về môi trường
Nằm ven sông Lục Nam, nơi có nguồn nước trong mát và dồi dào, làng nghề thôn Thủ Dương ngày nay có nhiều nét đổi khác, với nhiều nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại, đường xá cũng được bê tông hóa kiên cố. Có được hình ảnh mới này phần lớn là nhờ vào nghề làm mỳ gạo với thương hiệu “mỳ gạo Chũ”. Có thể nói, tuy là nghề phụ nhưng từ lâu đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình trong làng.
Làng nghề ngày càng phát triển đã kéo theo mối lo ô nhiễm môi trường càng lớn. Theo thống kê, hiện nay số dây truyền máy tráng bánh đã lên tới 54 máy tráng, trung bình 1 dây truyền thải ra môi trường khoảng 6 – 7m3 nước thải/ngày. Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường luôn là mối trăn trở của các cấp chính quyền và người dân xã Thủ Dương. Năm 2010, Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã hỗ trợ vật liệu xây dựng mô hình xử lý nước thải với tổng kinh phí 88 triệu đồng. Riêng Phòng TN&MT huyện Lục Ngạn hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng để xây dựng 1 bể phốt xử lý nước thải. Công trình đã đưa vào sử dụng rất hiệu quả giải quyết được gần 40 hộ sản xuất có nước thải tránh được ô nhiễm.
Nhờ áp dụng những kiến thức tập huấn do Hội Nông dân xã Nam Dương tổ chức, đến nay, bà con nông dân đã được nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường khu vực sản xuất bánh tráng, đóng kệ để kê xếp vỉ bánh tráng cho gọn gàng ngăn nắp… Nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy xay bột nên năng suất được tăng cao, sản phẩm làm ra sạch sẽ đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm được thời gian và nhân công lao động.
Theo đánh giá của các hội viên HTX sản xuất mỳ Thủ Dương, chính nhờ mô hình xử lý chất thải và kiến thức được tập huấn ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ Dương được nâng cao, nhiều hộ đã đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống xử lý chung của thôn. Các hộ sản xuất cho hay, nhờ công trình này mà các hộ yên tâm sản xuất không còn lo ngại về hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mỳ truyền thống. Những năm gần đây, sản lượng mỳ làm ra cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước, nhất là dịp gần Tết lượng hàng đưa ra phục vụ thị trường có lúc “cháy hàng”.
Nâng tầm thương hiệu sạch
Hiện nay, làng nghề mỳ Chũ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó, trên 100 hộ tham gia vào Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 30 tấn mỳ gạo, giá trị thu được đạt gần 8 tỷ đồng mỗi năm. Mỳ Thủ Dương được sản xuất 100% từ gạo ngon theo quy trình công nghệ truyền thống, không sử dụng phẩm màu, không có hoá chất hoặc phụ gia và chất tẩy trắng. Để làm ra sợi mỳ dai, ngon, trắng dẻo như hiện nay thì người sản xuất đã phải đúc kết bằng nhiều năm kinh nghiệm và có tấm lòng yêu nghề, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc bất di, bất dịch, từ khâu chọn gạo, vo gạo, ngâm gạo, xay bột, phơi, trần bánh.
Ước tính mỗi ngày làng nghề sản xuất chế biến và tiêu thụ từ 14 - 15 tấn mỳ khô, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động nông nhàn của địa phương góp phần tích cực nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo. Hầu hết các hộ đã tự trang bị cho mình những máy móc đơn giản như máy thái mỳ, máy xay bột... Đây là bước đột phá mới của người dân làng mỳ hôm nay.
Trước khi xuất khẩu ra thị trường, HTX sản xuất mỳ Thủ Dương kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng, đảm bảo uy tín của người tiêu dùng. Hiện nay sản phẩm mỳ Thủ Dương đã có mặt ở khắp các thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc; đặc biệt các siêu thị lớn ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn…
Phương Anh