Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 20:07 GMT+7

Tin hoạt động

Giám sát chặt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

01/12/2020

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 6118/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong tình hình tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 theo hướng hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường mới được phát hiện gần đây cho thấy công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế cần phải được tăng cường hơn nữa.
Do vậy, trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 6118/BTNMT-TCMT, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang và có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ảnh minh họa
Các địa phương cũng cần chủ động xử lý nghiêm hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường xây dựng kế hoạch thanh tra điều chỉnh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2021, trong đó bổ sung nội dung thanh tra chuyên đề đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ này cùng với Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ-Đáy đã thanh tra và xử phạt 885 cơ sở vi phạm, gây ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 48 tỷ đồng.
Từ 2008 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực các sông triển khai xây dựng 1 trạm quan trắc trực tuyến tại Hà Nội và 4 trạm tại Hà Nam và Nam Định; triển khai khoảng 70 dự án, công trình hạ tầng xử lý nước thải bảo vệ môi trường...
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai việc thu gom xử lý các nguồn thải trên địa bàn, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; xử lý nghiêm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông...
Theo Báo Chất lượng Việt Nam Online